Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Cần thêm giải pháp để kích thích tăng trưởng

TP. Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Chính phủ cần có thêm giải pháp kích cầu kích thích tiêu dùng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 1/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đây cũng là những vấn đề trọng tâm mà các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong thời gian tới.

Theo cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành, lĩnh vực hoặc an sinh xã hội khác. Việc thực hiện hài hòa và đồng bộ các giải pháp này phần nào đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định do tình hình địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng… đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, để giúp doanh nghiệp phục hồi cần có thêm giải pháp kích cầu kích thích tiêu dùng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi.

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Thức phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, các nền kinh tế lớn thường tập trung vào các chính sách, giải pháp kích cầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, vào năm 2010, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, vì đây là ngành tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Hay giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế suy thoái, Chính phủ Mỹ tạo dòng tiền cho người dân thông qua các gói kích thích kinh tế.

Tại Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khá hiệu quả như giãn hoãn nợ, hỗ trợ lãi vay… và tập trung vào các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thiết yếu như xuất khẩu, tiêu dùng… Điều này khá hợp lý, phù hợp với nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ.

Ở thời điểm hiện tại với bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục có các chính sách hỗ trợ giãn hoãn, hỗ trợ lãi suất cho những doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều công nhân, sản xuất hàng hóa có nhu cầu thực, xuất khẩu… để hỗ trợ.

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy vậy, ông Đinh Thế Hiển lưu ý, cần quyết liệt, nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ chỉ cần tập trung vào 6 tháng tới, nhất là những tháng cuối năm, để tạo sức mua trong dịp Tết sắp tới. Khi doanh nghiệp duy trì sản xuất, công nhân sẽ có lương và sẽ đi mua hàng của doanh nghiệp khác. Qua đó tạo bước đệm cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần hỗ trợ kinh tế tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024.

Song song đó, chuyên gia này cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để tạo dòng tiền, khi người dân có dòng tiền sẽ kích thích hoạt động mua sắm, tiêu thụ hàng hóa. Doanh nghiệp có bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, đảm bảo thu nhập cho nhiều hộ gia đình; từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành, chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, nhưng hiện đã bão hòa. Do đó, chính sách hỗ trợ nên tập trung vào phía cầu nhiều hơn.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, giải ngân đầu tư công rất khó để đạt mục tiêu kích cầu trong năm nay, vì đầu tư công liên quan đến rất nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là hiện có không ít người thực hiện đầu tư công có tâm lý sợ sai, lo ngại vướng vào lao lý trong việc giải ngân đầu tư công. Do đó, thay vì kích cầu khu vực công, Chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh kích cầu khu vực tư nhân để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như Thái Lan, Chính phủ đã phát tiền cho người dân tiêu xài. Điều này đã hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế, sẽ hiệu quả và nhanh hơn.

“Ở Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã có chính sách giảm 2% thuế VAT. Theo tôi, chính sách này chưa thực sự phát huy tác dụng. Việc giảm thuế VAT phải được thực hiện mạnh tay hơn, thậm chí có thể giảm thuế VAT lên tới 5 - 10% mới đủ kích thích người dân tiêu dùng”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân đánh giá.

Bên cạnh đó, chuyên gia này đề xuất, Chính phủ có thể xem xét, nghiên cứu việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm nay. Lúc đó, người dân sẽ có nhiều tiền, có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Khi những chính sách tập trung về phía cầu, kích cầu được, doanh nghiệp mới có điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh, khi đó góp phần tăng tổng cầu, tăng sản lượng cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi hiệu quả hơn./.

H.Chung

Tin liên quan

Xem thêm