Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với trên 35% dân số, trong đó đồng bào Khmer đông nhất cả nước, chiếm gần 31% dân số của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn vẫn còn khá cao.
TTXVN - Ngày 30/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với trên 35% dân số, trong đó đồng bào Khmer đông nhất cả nước, chiếm gần 31% dân số của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn vẫn còn khá cao. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh, các địa phương đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng do xuất phát điểm thấp, điều kiện mặt bằng chung xã hội, kết cầu hạ tầng còn chưa đồng bộ nên những nỗ lực của tỉnh và của đồng bào vẫn còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh có 63 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, với 17 xã, 128 ấp đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer bước đầu có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm. Kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường Trung học Cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; có 31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng, ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay, 15/35 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Thực hiện kế hoạch năm 2022, tỉnh có 16/24 chỉ tiêu chung, 21/35 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với kế hoạch, các chỉ tiêu còn lại đảm bảo đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Chương trình đã tích hợp các chương trình, dự án chính sách dân tộc trước đây gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với 180 hoạt động. Trong đó, nhiều nội dung thành phần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer) như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,… tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Tính đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ. Tỉnh xây dựng 4 công trình nước tập trung; thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; triển khai xây dựng 113 công trình (trong đó 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, một nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền...
Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện các chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân rất đồng thuận và phấn khởi, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia với chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, thực hiện đạt các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, tình hình triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình còn chậm so với tiến độ, yêu cầu kế hoạch đề ra. Việc triển khai một số nội dung Chương trình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, điển hình như: văn bản thực hiện Chương trình quá nhiều, nhiều văn bản còn dẫn chiếu các văn bản khác; một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương nên các địa phương gặp khó khăn triển khai Chương trình.
Một số ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thông tin, báo cáo triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, công tác tổng hợp, báo cáo gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tính kịp thời. Vì là Chương trình mới và nhiều lĩnh vực, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu ở các cấp phải nghiên cứu nhiều văn bản liên quan không thuộc chuyên môn, nên quá trình thực hiện Chương trình còn gặp nhiều lúng túng…
Đối với hai Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 cho biết: Năm 2021, khởi đầu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình, từng bước hoàn thiện khung cơ chế chính sách giai đoạn mới và triển khai thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Kết quả, ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 87,5% tổng số xã, tăng 28,0% xã so với 2020 và đạt 91,67% so với chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,33% so với chỉ tiêu Nghị quyết.
Chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 13.929 hộ nghèo (tương đương giảm 4,19%), từ 22.409 hộ (chiếm 6,73%) xuống còn 8.480 hộ (chiếm 2,54%); trong đó, hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 45.710 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020, đạt 96,92% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%, tăng 1,53% so với năm 2020, đạt 96,67% chỉ tiêu Nghị quyết.
Theo Chủ tịch tỉnh Trần Văn Lâu, để đảm bảo triển khai đạt chất lượng, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tăng cường, đổi mới trong công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn xã hội về công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với các hộ dân, cần có sự chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Tỉnh sẽ tập trung, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng tiến độ, phấn đấu đến hết niên hạn giải ngân năm 2023, giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Theo dõi Phiên thảo luận chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 30/10, nhiều cử tri Sóc Trăng cho rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong cả ngày về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là sôi nổi, cởi mở. Các phát biểu rất đúng với ý kiến băn khoăn của cử tri Sóc Trăng, như vấn đề cần có Ban điều phối chung cả 3 chương trình cho đồng bộ, tránh chồng chéo; vấn đề nhân lực thực hiện các Chương trình cần phải có năng lực, trình độ; hỗ trợ cho người dân cần phù hợp theo nhu cầu, đúng đối tượng, mục đích.../.