Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia

Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương này không bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển chung của cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Một số chỉ tiêu khó thực hiện khi áp dụng trong thực tiễn

Theo đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La), ngay sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết về ba chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã khẩn trương, nỗ lực tập trung triển khai thực hiện. Sau hai năm triển khai thực hiện, bước đầu ba chương trình đã tạo ra sự đổi mới, "hương sắc" mới rất đáng kể trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu đánh giá, việc Quốc hội tổ chức giám sát triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia rất có ý nghĩa, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Đây là cuộc giám sát có nhiều điểm mới, giám sát giữa kỳ đồng thời cả ba chương trình mục tiêu quốc gia, ngay khi các chương trình đang triển khai thực hiện.

Đại biểu thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá rất kỹ lưỡng về kết quả triển khai ba chương trình với hơn 100 trang và hệ thống phụ lục đầy đủ, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đại biểu cho biết, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, có một số tiêu chí phân cấp cho địa phương quy định để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Đôi, một số tiêu chí như thu nhập nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu của bộ tiêu chí. Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản quy mô nhỏ, chủ yếu theo mùa vụ. Mặt khác, một số chỉ tiêu quy định diện tích sân bóng đá thể thao, quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng... chưa phù hợp với đặc thù vùng miền dân tộc. Do đó, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Cùng mối quan tâm như đại biểu Hoàng Thị Đôi, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tăng nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn trước. Đại biểu cho rằng, việc duy trì nông thôn mới của các xã đã được công nhận nông thôn mới ở giai đoạn trước khi áp theo bộ tiêu chí ở giai đoạn này khó đạt được. Ngoài ra, một số tiêu chí khó đánh giá ở thời điểm hiện tại như: tỷ lệ người có sức khỏe, tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử và tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa..., do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại thông minh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế như tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13%, trở thành bài toán thách thức với nhiều địa phương.

Đại biểu tỉnh Bắc Kạn kiến nghị cần sớm tham mưu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng gặp khó khăn; đồng thời, cần ban hành bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra

Tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát đã phản ánh đúng tinh thần của việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Siu Hương kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tới để thực hiện đạt kết quả cao hơn. Về tính khả thi của việc thực hiện, đại biểu Siu Hương nhận thấy, quá trình vào cuộc thực hiện các chương trình tại địa phương còn nhiều bất cập. Hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình vẫn đang tiếp tục kiện toàn… Đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chương trình cần có những cách tiếp cận phù hợp hơn, song song với việc đưa ra những nhận định trên cơ sở dự báo nhằm có hướng triển khai hiệu quả trong thời gian kế tiếp.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) ghi nhận, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa hiệu quả các kết quả của các giai đoạn trước. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong phối hợp xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, việc ban hành văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của Chính phủ và để các chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình để các địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng bộ; theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận kết quả thực hiện các tiêu chí các dự án, tiểu dự án của chương trình; tiếp tục lãnh đạo đổi mới phương thức truyền thông trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở, địa bàn dân cư về những mục tiêu, giải pháp của đề án, chương trình tổng thể, từ đó làm thay đổi mạnh mẽ nếp nghĩ, cách làm của người dân - đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chương trình và không bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển chung của cả nước./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm