Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần nâng cao đời sống nhân dân
Cử tri tỉnh Nam Định cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
TTXVN - Ngày 30/10, theo dõi phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030), cử tri tỉnh Nam Định cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Dành thời gian theo dõi phiên thảo luận buổi sáng, ông Phạm Phú Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Lịch sử tỉnh Nam Định đánh giá, báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày khá ngắn gọn, xúc tích, đánh giá tổng thể những kết quả đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, khó khăn ở tất cả chương trình đang thực hiện sát với thực tiễn. Các đại biểu đã thảo luận, tranh luận sôi nổi, đi thẳng vào những vấn đề đạt được cũng như khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở khi thực hiện ở địa phương, qua đó đề xuất kiến nghị nhiều nội dung hữu ích để cơ quan chức năng xem xét, tiếp thu, điều chỉnh khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.
Theo dõi phiên thảo luận, ông Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Nam Định cho hay, những kết quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia rất đáng mừng, nhất là trong bối cảnh chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ở nhiều vùng quê tại Nam Định cũng như trong cả nước đã hình thành ngày càng nhiều những miền quê đáng sống, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Chương trình giảm nghèo bền vững đã có tác động lớn làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân. Từ chỗ hỗ trợ thụ động, trực tiếp cho hộ nghèo, các địa phương đã chuyển sang tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Minh chứng rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tập trung đầu tư phát triển các hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh ở vùng địa bàn đặc biệt khó khăn... Từ thực tế ở các địa phương, trong giai đoạn mới, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xem xét, tổng hợp, đánh giá lại những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc sau 3 năm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, bài học thực tiễn từ các địa phương để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, ban hành các tiêu chí phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền và địa phương.
Theo ông Quyền, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Nhiều khu, cụm công nghiệp, tuyến đường giao thông, công trình, dự án trọng điểm được xây dựng... mở ra cơ hội phát triển bứt phá, song cũng sẽ có nhiều diện tích đất bị thu hồi... Vì vậy, Trung ương, các địa phương cần có chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề về đời sống, việc làm cho người dân, nhất là đối với những trường hợp bị thu hồi đất sản xuất...
Nam Định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới. Hiện, toàn tỉnh có 189/204 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là một trong 9 xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn thực hiện thí điểm “Mô hình xã nông thôn mới thông minh”.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, cải tạo đồng bộ kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Năm 2022, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp là 134 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn của tỉnh đạt 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%, hộ cận nghèo giảm còn 3,45% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. Tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 668 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, 587 trường đạt chuẩn xanh, sạch, đep, an toàn, 553 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện có 195/204 xã, thị trấn triển khai phân loại rác thải tại nguồn, chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 89,5%.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp thay đổi diện mạo nông thôn Nam Định nói riêng, cả nước nói chung. Giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự thay đổi, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng khoa học tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân...
Tuy vậy, một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu còn cao, khó thực hiện như: Tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự, thu nhập. Nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện chương trình này hạn chế... Trước thực tế đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát, ban hành bộ tiêu chí trong giai đoạn mới phù hợp với thực tế của vùng, miền; trong đó, khuyến khích, tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các địa phương khi thực hiện chương trình này; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân../.