Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm nhất quán nguyên tắc minh bạch, công bằng trong bồi thường, thu hồi đất

Các đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật một cách thận trọng, song phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành.

TTXVN - Bồi thường, thu hồi đất là một trong những vấn đề “nóng” được đặt lên bàn nghị sự ở Phiên thảo luận hội trường của Quốc hội sáng 3/11 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Làm rõ “các trường hợp khác”

Quan tâm đến quy định thu hồi đất, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định 31 khoản về các trường hợp cụ thể và 1 khoản trường hợp khác để Quốc hội quyết định trong trường hợp bổ sung say này, theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, khi rà soát lại 31 khoản cụ thể, lại có “những trường hợp khác”, ví dụ khoản 18 quy định về các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác hoặc khoản 20 về các công trình sự nghiệp khác...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

“Những trường hợp khác này không rõ là trường hợp gì và cơ quan nào sẽ quyết định. Bởi khoản 32, Quốc hội sẽ bổ sung các trường hợp thu hồi đất theo trình tự thủ tục rút gọn nếu không thuộc các trường hợp từ khoản 1 đến khoản 31; đề nghị làm rõ những ‘trường hợp khác’ này. Luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, trường hợp chưa làm rõ được hoặc phát sinh, sau này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung theo thủ tục rút gọn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Đồng quan điểm, đại biển Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể chưa bao quát hết, chưa giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất hiện nay. Đó là nhà nước thu hồi đất theo bảng giá bồi thường, trong khi doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.

“Đây là lý do khiến người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu đồng thuận khi nhà nước thu hồi đất. Doanh nghiệp gặp khó khăn do thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian, thậm chí phải “đi đêm” với giá chuyển nhượng cao hơn giá đất bồi thường. Nhưng kể cả khi đã thỏa thuận chuyển nhượng 90% diện tích, dự án vẫn chưa thể triển khai, làm doanh nghiệp tăng chi phí, lãng phí cơ hội đầu tư”, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu.

Vì vậy, đại biểu đoàn Bắc Giang đề xuất Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng, Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án. Luật cần quy định nguyên tắc giá đất bồi thường do Nhà nước thu hồi phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch, bảo đảm lợi ích công bằng, người có đất bị thu hồi không bị thiệt thòi.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật một cách thận trọng, song phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành; đồng thời tránh khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật đất đai (sửa đổi) ban hành; bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Tranh luận với đại biểu Mai Thị Phương Hoa và một số đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với quan điểm cần phải kiểm soát địa tổ chênh lệch nhưng cần kiểm soát là về giá trị thặng dư siêu ngạch được tạo ra sau khi có đầu tư của nhà đầu tư. Nếu kiểm soát chặt quá sẽ không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế - xã hội. Nhưng nếu buông lỏng, một số lợi ích siêu ngạch lại phục vụ lợi ích của thiểu số.

Cho rằng kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói, để đấu thầu được, Nhà nước phải thu hồi đất và thực hiện đền bù, khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.

“Trong thời điểm được đền bù, người sử dụng đất khi được đền bù tiệm cận giá thị trường (là trước khi có đầu tư), được hưởng địa tô chênh lệch 1. Việc này rất công bằng đối với nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước tránh bị thất thoát do thặng dư siêu ngạch của địa tô 2 mang lại”, đại biểu Nguyễn Quang Huân giải thích.

Nhất quán trong bồi thường giá đất

Về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần quán triệt nguyên tắc nhất quán trong bồi thường giá đất là chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ thửa đất do Nhà nước đầu tư, thực hiện quy hoạch.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Bên cạnh việc thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 đối với dự án đất ở, đất thương mại, đất khu đô thị, Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đấu giá. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung.

“Tất cả quy hoạch dự án sử dụng đất không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng hai giá, bất bình đẳng, dễ nảy sinh mâu thuẫn”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, về xác định phương pháp bồi thường, vấn đề là lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó, đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó, Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.

“Đây là dự án luật hết sức quan trọng nên đề nghị cần hết sức cẩn trọng khi xem xét thông qua”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu.

Tranh luận về quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu ra yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất; do đó cần làm rõ "nguyên tắc thỏa thuận khi nào và ra sao", tuân thủ nguyên tắc thị trường “bán cái mình có, mua cái người khác có”. Đơn cử, đối với đất ở thu hồi cho dự án nhà ở thương mại hoặc đất nông nghiệp thu hồi cho dự án sản xuất nông nghiệp, hai bên buộc phải thỏa thuận. Nhưng nếu là đất nông nghiệp dành cho dự án nhà ở thương mại, Nhà nước đứng ra thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển cho doanh nghiệp thông qua đấu giá.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tranh luận với đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, Nghị quyết 18-NQ/TW có nêu tiếp tục cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất nhưng không yêu cầu tất cả các dự án đều thỏa thuận. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Điều 79 là phát huy nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.

“Các khoản tại Điều 79 đều là lợi ích công nhưng quan trọng nhất là phải phát huy được nguồn lực của đất đai. Để đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế phải cho phép thu hồi đối với các dự án, trong đó, phải có quy định cụ thể quy mô, tính chất của dự án. Nếu chỉ thỏa thuận đơn thuần mà không thỏa thuận được, quy định sẽ trở thành vô nghĩa”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh./.

Diệp Trương

Tin liên quan

Xem thêm