Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi
Xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở, cử tri đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
TTXVN - Chiều 1/11, phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri tỉnh Lạng Sơn.
Cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ, thể hiện trong các ý kiến phát biểu, trao đổi và giải trình đã cơ bản làm rõ, đi trúng, đúng vào những nội dung, vấn đề được cử tri quan tâm. Xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở, cử tri đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) Phùng Văn Nghĩa nhìn nhận, dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và COVID-19 nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội đang phục hồi tích cực với phần lớn số các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy tính đúng đắn của chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước ban hành về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định, phát triển sản xuất; tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia...
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) Hoàng Văn Hoàn cho rằng, năm 2023, hoạt động kinh tế - xã hội gần như đã bình thường trở lại. Đây là những tiền đề quan trọng để nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2024 và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Ông Hoàng Văn Hoàn “hiến kế” cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch cấp huyện phải đồng bộ, phù hợp, thống nhất với quy hoạch cấp tỉnh; quy hoạch cấp tỉnh phải gắn với quy hoạch cấp vùng để tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, kìm hãm sự phát triển.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung được Đảng, Nhà nước đưa ra, căn cứ vào điều kiện thực tế ở cơ sở, đặc thù của vùng, miền, các địa phương cần đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, theo hướng linh hoạt, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử... để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Vùng đồng bào dân tộc và miền núi gặp nhiều khó khăn hơn. Việc hỗ trợ, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị khó triển khai do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng tại vùng dân tộc còn hạn chế, địa bàn xa trung tâm. Sự liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp chưa nhiều; năng lực quản lý chưa cao, thiếu vốn, khoa học công nghệ...
Từ thực tế đó, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030). Tuy nhiên, cần xác định mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở. Việc vận dụng cơ chế, chính sách trong triển khai các chương trình này phải linh hoạt, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải chú trọng khuyến khích, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo trong phát triển kinh tế, xóa đói nghèo./.