Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công

Hải Phòng

Đa số cử tri Hải Phòng cho rằng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 đã khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt kế hoạch vốn được giao, làm gia tăng nợ đọng xây dựng cơ bản, gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho thấy sự đổi mới cách thức tổ chức, điều hành khoa học, linh hoạt của chủ tọa; những nội dung đưa ra tại phiên họp đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của cử tri. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không né tránh, không e ngại. Đây là đánh giá chung của cử tri thành phố Cảng qua theo dõi phiên họp của Quốc hội, sáng 2/11.

Quan tâm đến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ông Đỗ Văn Nghì, nguyên Giám đốc Công ty Vật tư tổng hợp Hải Phòng (ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) nhận định, Kế hoạch này không chỉ đạt kết quả trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư, quản lý nợ đọng trong đầu tư công cũng được cải thiện rõ nét. Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã khắc phục được tình trạng các dự án đầu tư vượt kế hoạch vốn được giao, làm gia tăng nợ đọng xây dựng cơ bản và gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.

Liên hệ đến thành phố Hải Phòng, ông Đỗ Văn Nghì chia sẻ, ngay từ đầu năm 2023, Hải Phòng đã xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ, vướng mắc các dự án một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa. Đồng thời, coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí phục vụ công tác đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao đối với đảng viên, Chi bộ, Đảng bộ trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại quận Đồ Sơn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thành phố đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong việc giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; rà soát, tiếp tục phân bổ vốn cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, liên quan đến cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đến hết ngày 30/9/2023, vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố Hải Phòng đã giải ngân đạt 81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hải Phòng tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công. Từ kết quả nổi bật này, ông Đỗ Văn Nghì cho rằng, thực tế cho thấy, việc khơi thông nguồn vốn đầu tư công vẫn đang vấp phải "nút thắt" lớn nhất, đó là vướng mắc giải phóng mặt bằng. Theo đó, ông Đỗ Văn Nghì mong muốn trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua, trong đó cử tri quan tâm sâu sắc vấn đề giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường sẽ gỡ được "nút thắt" tiêu cực, phức tạp mà nhiều năm qua chưa tháo gỡ được; vấn đề thu hồi đất cũng được cử tri hết sức quan tâm, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và ban hành Luật đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ông Đỗ Văn Nghì đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Trong đó cần khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình khác hiện nay.

Đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Nghì, bà Nguyễn Thị Hương (ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) cho biết, hai năm còn lại thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất là khó khăn đòi hòi nỗ lực rất lớn của Chính Phủ. Do đó cần tiếp tục kiên định mục tiêu của Chính phủ, đồng thời phải có những mục tiêu căn cơ tùy theo tình hình đặc thù của từng địa phương để bố trí vốn hài hòa, đồng bộ về thể chế, phân cấp phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm, đặc biệt là đề cao trách nhiệm người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc các cá nhân có hành vi cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp với các đơn vị thực hiện tốt công việc./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm