Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Trị, Phú Thọ và Bình Dương thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Theo chương trình làm việc, sáng 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án luật, nghị quyết là: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án luật, nghị quyết này.

Việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 92 điều.

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 Điều.

Chiều 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm