Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cơ quan chủ quản có trách nhiệm tạo điều kiện tốt cho báo chí hoạt động
Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Do đó, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động.
TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Sửa thông tư liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí
Nêu vấn đề tại hội trường, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03/2018/TT-BTTTT và Thông tư 09/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đang gây rất khó khăn cho các cơ quan báo chí.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết, khi nào sẽ hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ, về lâu dài cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn từ quảng cáo. Đến khi truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, khi báo chí thực hiện đặt hàng, lúc này lại gặp khó khăn do liên quan đến 3 thông tư đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật.
“Chúng tôi đã nhận ra vấn đề này và cũng nhận trách nhiệm về việc đã ban hành những thông tư mà đưa vào thực tế là khó thực hiện. Đích thân tôi đã làm việc nhiều buổi với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ. Đến nay, đã có hướng giải quyết. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sửa 3 thông tư theo hướng ban hành hướng dẫn để cơ quan báo chí chủ động thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, đến quý I/2024 sẽ sửa xong.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính sửa Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm thủ tục hành chính để trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về lâu dài, phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí, thay vì chỉ dựa trên quảng cáo. Cụ thể, báo chí phải có thêm nguồn đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Do đó, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động. Bên cạnh đó, các trạng mạng xã hội đăng tải, sử dụng tác phẩm báo chí, tới đây sẽ phải thực hiện tốt hơn việc trả tác quyền báo chí. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí. Đây cũng là một xu hướng lớn của báo chí thế giới.
Phim "Đất rừng Phương Nam" được cấp phép theo đúng quy định
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về quy trình thẩm định phân loại phim, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ điểm d, khoản 2, Điều 18 của Luật Điện ảnh, bộ phim "Đất rừng Phương Nam" đã được Hội đồng Thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định và khẳng định bộ phim không vi phạm pháp luật về điện ảnh, vì vậy được cấp phép để phổ biến.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn trọng quyết định của Hội đồng. Trong trường hợp nếu phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật, lúc đó mới có các biện pháp để xử lý tiếp theo. Bộ rất cẩn trọng trước những yêu cầu có tính chất tranh luận trên nền tảng mạng xã hội và nhiều ý kiến đóng góp; đã yêu cầu Hội đồng xem xét tiếp thu hợp lý những ý kiến mà dư luận phản ánh. Vì vậy, Hội đồng đã họp với các cơ quan liên quan để xem xét lại và khẳng định bộ phim vẫn đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động. Bộ tôn trọng theo nguyên tắc này. Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.
Cân đối số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài
Giải đáp câu hỏi về sử dụng lao động sau khi đi lao động ở nước ngoài về nước và bảo đảm cân đối lực lượng lao động trong nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, theo tinh thần Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trung bình 1 năm có khoảng 120 nghìn đến 143 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Trong đó, riêng năm 2023, đã có 112 nghìn người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 - 4 tỷ USD.
Phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện các giải pháp như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm; kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài...
Về quy mô lực lượng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng lao động nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 10%, đồng thời duy trì từ 500 - 650 nghìn người thường xuyên lao động ở nước ngoài, quy mô này là vừa phải. Bộ sẽ căn cứ nhu cầu lao động trong nước để có cân đối, điều chỉnh số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, giữ tỉ lệ phù hợp không ảnh hưởng đến trong nước./.