Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Thủ tướng Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong phiên làm việc chiều, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật này.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 73 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật gồm 3 điều, bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm