Quốc hội với Cử tri

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Không khí chất vấn thẳng thắn, dân chủ, làm "nóng" nghị trường

Trong hai ngày 6-7/11, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chia sẻ bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao không khí chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường trong các phiên vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời chất vấn (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành hai ngày 6-7/11 để tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các nhóm lĩnh vực. Chia sẻ bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao không khí chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường trong các phiên vừa qua.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đánh giá, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp này có nhiều đổi mới, không khí chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng. Tại Kỳ họp này, Quốc hội chất vấn với lĩnh vực rất rộng, không hạn chế chủ đề nhưng các Bộ trưởng, Trưởng ngành nắm rất rõ nội dung các vấn đề. Phần trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành cơ bản đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, cử tri. Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, sự liên kết, phối hợp giữa các ngành để giải quyết các vấn đề vẫn còn hạn chế.

“Tôi cho rằng các câu hỏi, mong muốn của đại biểu Quốc hội là chính đáng. Tôi mong sau phiên chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ tập trung hơn nữa để đẩy nhanh xử lý, giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở các lĩnh vực”, đại biểu tỉnh Quảng Nam nói.

Cho rằng các phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) bày tỏ ấn tượng với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành phiên chất vấn rất hiệu quả, bao quát. Nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đã theo đuổi qua nhiều kỳ họp, lần này các đại biểu tiếp tục chất vấn và đã được trả lời cụ thể.

“Còn nhiều vấn đề cụ thể ở địa phương mà đại biểu Quốc hội cần chất vấn. Chúng tôi sẽ gửi văn bản cho các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Chúng tôi kỳ vọng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục trả lời, giải quyết các vấn đề nhanh chóng, hiệu quả”, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết.

Đánh giá cao không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, Quốc hội đã có truyền thống trong hoạt động giám sát, trong đó chất vấn là một hoạt động giám sát quan trọng nhất của Quốc hội, thể hiện rõ các Bộ trưởng đã thực hiện những trách nhiệm, nhiệm vụ và thực hiện lời hứa của mình như thế nào. Tiếp nối truyền thống đó, tại Kỳ họp thứ 6, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu hết sức thẳng thắn, rõ ràng, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương là rõ ràng và rất đúng giờ. Đại biểu nhận định, không khí tại nghị trường rất "nóng", thể hiện sự dân chủ.

“Không khí của phiên chất vấn rất dân chủ, thẳng thắn. Các đại biểu cũng đưa ra những vướng mắc trong thi hành pháp luật, những khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng đã trả lời rõ ràng, đi trực tiếp vào vấn đề đại biểu hỏi”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận định.

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, vai trò chủ tọa và điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất hiệu quả, luôn bao quát, góp phần giải đáp, xử lý kịp thời những vấn đề đang "nóng" hiện nay là như giải ngân đầu tư công nguồn vốn ODA hay như vướng mắc ở Điều 6, Khoản 1 của Luật Đầu tư công.

Về phần chất vấn liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhận được nhiều câu chất vấn gai góc, nhất là về vấn đề đầu tư công dành cho ngành Giao thông Vận tải, quy định về tốc độ tối đa trên tuyến đường cao tốc hay việc xử lý những vướng mắc ở 8 dự án BOT về vấn đề xây dựng-vận hành-chuyển giao. Ghi nhận phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, mặc dù mới tiếp nhận cương vị này, cũng là lần đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nắm rõ nhiệm vụ của mình, những việc của ngành đã làm được và khó khăn mà thực tiễn đang đặt ra.

Về vấn đề vốn đầu tư dành cho ngành Giao thông Vận tải, băn khoăn về tỷ lệ góp vốn của Nhà nước đối với các dự án PPP-đối tác công tư tăng từ 50% lên 70% có hợp lý hay không được đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ một số kinh nghiệm thế giới, trong đó có kinh nghiệm về sự xử lý linh hoạt đối với từng dự án. Đối với nội dung chất vấn về 8 dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đưa ra giải pháp rất rõ ràng; trong đó cho biết, 5 dự án đang được Chính phủ dự tính mua lại hoàn toàn, 3 dự án còn lại sẽ được bố trí hỗ trợ./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm