Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề xuất giải pháp bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Việc “bảo vệ” cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn vướng các quy định hiện hành. Đây là vấn đề khó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong các đại biểu chia sẻ và đề xuất giải pháp.
TTXVN- Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực nội chính và tư pháp.
* Tập trung ngăn chặn nguồn cung ma túy từ bên ngoài
Nêu tình hình về hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh, thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện thời gian gần đây, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) lo ngại nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đáng lo hơn là ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn với thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, trường đại học, trung học cơ sở nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để xử lý, ngăn chặn vấn đề này?”, đại biểu Hà Hồng Hạnh chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213 nghìn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng 81 nghìn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.
Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.
Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.
* Xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Tại phiên chất vấn, trả lời đại biểu về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Nhìn tổng thể, giáo viên mầm non lương rất thấp chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29, đó là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
“Điều này là nhất quán”, Bộ trưởng Phạm Thanh Trà khẳng định và cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về chính sách tiền lương của công chức cấp xã và công chức khác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ, thực tế tồn tại hai chế độ công vụ là chế độ công vụ cấp xã và chế độ cấp huyện trở lên. Đối với cán bộ, công chức cấp xã, các chế độ chính sách cũng tương tự như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, từ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm hết sức rõ ràng nhưng công chức cấp xã chưa nằm trong tổng biên chế chung của hệ thống chính trị. Thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng chế độ công vụ chung, hoàn thiện, hiện đại.
Về chậm trong xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định nhận định này là đúng và lý giải về nguyên nhân của tình trạng này. Bộ trưởng cho biết, đến nay đã có 13 trong số 15 bộ hoàn thành danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành và đề nghị các bộ cố gắng sớm hoàn tất để triển khai đồng bộ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ thông tư hướng dẫn chỉ đạo cơ quan đơn vị sự nghiệp do mình quản lý triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm, trên cơ sở đó phê duyệt đề án để có thể triển khai cải cách tiền lương trong thời gian tới.
*Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Tại phiên chất vấn chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình, làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng đồng tình với các nhận định được các đại biểu đưa ra và nhận khuyết điểm trong việc có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày luật có hiệu lực; cho biết thời gian tới sẽ cố gắng từng bước khắc phục.
Nêu nguyên nhân dẫn đến việc chậm về thời gian và số lượng văn bản hướng dẫn thi hành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng làm rõ việc ban hành nghị định, thông tư “cần có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình và tạo điều kiện thông thoáng để vận hành”. Thực tế là hiện nay việc đánh giá tác động chính sách là khâu tốn kém nhiều thời gian, mất nhiều công sức và có ưu tiên hơn trong việc sửa các thông tư, nghị định “đang có hiệu lực nhưng có bất cập”.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Trong bối cảnh xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện cũng có những quy định cần tiếp tục sửa đổi.
Nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Chính ở địa phương mới biết “thế nào là tốt nhất cho mình”. Phân cấp giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn. Nhưng khi phân cấp, năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không cũng là vấn đề được cân nhắc.
Do đó, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và chuyển đổi số - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm về xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn chỉ rõ, đây là giải pháp nhằm giải quyết câu chuyện có nhiều người được giao chức trách, nhiệm vụ nhưng né tránh, đùn đẩy công việc. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm tôn vinh, khen thưởng và có cơ hội thăng tiến tốt hơn cho cán bộ. Tuy nhiên, việc “bảo vệ” còn vướng các quy định hiện hành. Đây là vấn đề khó, Phó Thủ tướng Chính phủ mong các đại biểu chia sẻ và đề xuất giải pháp.
Liên quan đến vấn đề được các đại biểu chỉ ra trong các báo cáo đều có câu “việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, Phó Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn, cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh vi phạm./.