Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm
Việc truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
TTXVN - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 6/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
* Đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp
Trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Về nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%).
"Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Các Tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt 95% (vượt 7% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ việc dân sự đạt 86% (vượt 8% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ án hành chính đạt 77,65% (vượt 17,65% chỉ tiêu Quốc hội giao). Các Tòa án đã chú trọng công tác hòa giải, đối thoại; hạn chế việc để các vụ việc quá thời hạn quy định; phối hợp với Viện Kiểm sát các cấp tổ chức 37.281 phiên tòa rút kinh nghiệm; từ đó, tỷ lệ và chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc không ngừng tăng lên qua các năm.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của hệ thống Tòa án vượt 2,4% chỉ tiêu Quốc hội giao...
Các Tòa án tích cực tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; tính đến ngày 30/6/2023, có 682 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 8.381 vụ án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan khi tham gia tố tụng. Thông qua xét xử trực tuyến đã giúp tiết kiệm được tổng chi phí ước tính khoảng 45 tỷ đồng.
Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc của một số đơn vị, Tòa án chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu công việc, nhất là việc triển khai Luật Hòa giải đối thoại, tổ chức xét xử trực tuyến… Nguồn vốn đầu tư công nhà nước phân bổ hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đầu tư; kinh phí sửa chữa bảo trì trụ sở được cấp hàng năm còn thấp. Một số Tòa án địa phương chưa chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật...
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao xác định các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: chỉ đạo hệ thống Tòa án thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.
* Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm
Về lĩnh vực kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, để triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành, ông đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể là: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; tăng cường công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật và cải cách tư pháp. Đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành là “đòn bẩy” để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác thống kê, lưu trữ, bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả phục vụ công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công.
Công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Trong đó, tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện Kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt 100% và số bị can Viện Kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt 99,99%. Viện Kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ chấp nhận đạt 98,6%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng chỉ rõ một số khó khăn, thách thức. Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đặc biệt, việc thực hiện quy định Kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, kiểm sát viên.
Trong công tác giám định, định giá còn kéo dài, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin còn thiếu; một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá; kết luận giám định còn chung chung không thể hiện rõ quan điểm.
Số lượng công chức có chức danh tư pháp, kiểm sát viên các ngạch của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc tăng thêm; kinh phí phân bổ như hiện nay chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ của ngành theo quy định mới của luật, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai; chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức của ngành còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ đặc thù của ngành phải thực hiện.
Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo nhấn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Ngành tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm./.