Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Nhiều vấn đề quan trọng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận, phân tích, góp ý sâu sắc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, nhiều vấn đề quan trọng của dự án Luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích, góp ý sâu sắc.
TTXVN - Ngày 3/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai
Trong phiên làm việc buổi sáng, trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất. Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế hai phương án.
Phương án 1, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phương án 2, tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ hai phương án: Phương án 1, quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 2 quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Nội dung các Phương án tại dự thảo Luật do Chính phủ đề xuất tại dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất.
Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu nhất trí, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và nhân dân. Dự thảo Luật thể hiện rõ ràng hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đối với dự án luật quan trọng của đất nước. Các đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Các đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất tính theo bảng giá có giá trị lớn đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, còn nhiều nội dung có các phương án khác nhau, chưa thống nhất nên kiến nghị cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Do đó, cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. “Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh nói.
Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong lúa
Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, cần giới hạn quyền sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đề xuất phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Theo các đại biểu, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trong lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước.
Đồng tình với phương án này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị quy định cụ thể định mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu cho biết, qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, do điều kiện đời sống gắn với nông thôn, ngoài thời gian dạy học, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, vì vậy, cần có những quy định phù hợp thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án 3 dung hòa được cả hai yếu tố, vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, một mặt vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương.
Một số đại biểu cho rằng, phạm vi, đối tượng trong dự thảo luật là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là đã bị thu hẹp so với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét, quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã có Điều 16 và một số các điều khoản khác liên quan để thực hiện chính sách này; trong đó có nội dung xử lý đất ở, đất sản xuất lần đầu; có cơ chế để xử lý trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế nhằm bảo đảm quỹ đất bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trước các ý kiến cho rằng quy định về phạm vi đối tượng còn hẹp so với Nghị quyết 18-NQ/TW bởi không phải chỉ có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà còn ở các vùng khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật bảo đảm tính khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, nhiều vấn đề quan trọng của dự án Luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích, góp ý sâu sắc như việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý sử dụng đất, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất.
Một số đại biểu tham gia ý kiến về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý sử dụng đất, kết hợp đa mục đích đất quốc phòng, an ninh, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đất ven biển, đất cho dự trữ khoáng sản, phát triển du lịch, dịch vụ điều khoản thi hành quy định chuyển tiếp kỹ thuật lập pháp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật./.