Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương
Chính phủ sẽ trình Quốc hội chương trình mục tiêu quốc gia tổng thể về chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời gian tới, trong đó đề cập tới những nhiệm vụ ưu tiên để có thể xây dựng một nền văn hóa xứng tầm với vị trí, vai trò.
TTXVN - Sáng 8/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Các nội dung chất vấn gồm các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trả lời, làm rõ một số nội dung được đại biểu Quốc hội nêu.
Đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân và người tham gia bảo hiểm
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề cập đến một thực trạng mà nhiều cử tri quan tâm, phản ánh, đó là bệnh nhân đi bệnh viện phải mua thuốc ở bên ngoài, gây rất nhiều khó khăn.
Trong buổi chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế có nhấn mạnh quyền lợi của bệnh nhân và người tham gia bảo hiểm phải đảm bảo. Đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết. Đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế, bệnh nhân đi viện nhưng phải mua thuốc ở bên ngoài với giá rất đắt, không phải ai cũng mua được. Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế, song đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Y tế chỉ đạo phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo.
Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai về vấn đề thanh toán cho người bệnh khi phải ra ngoài mua thuốc khi cơ sở y tế không đủ thuốc cung ứng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã có chỉ đạo cụ thể. Ngay chiều 7/11, Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án.
“Về nội dung này, Vụ Bảo hiểm y tế của Bộ cùng với các thành viên của Bộ Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp bàn về những nội dung, phương án cụ thể được cơ quan Bảo hiểm xây dựng để đưa ra xin ý kiến các bộ. Nội dung này Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai, khi có dự thảo chính thức chúng tôi xin gửi các địa phương cũng như các bộ, ngành để cho ý kiến”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Về vấn đề lạm dụng xét nghiệm, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc áp dụng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ nhiều quá trình chẩn bệnh, điều trị và theo dõi sau điều trị. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều thiết bị tốt đã giúp bệnh nhân phát hiện bệnh từ ngay từ đầu, nhờ đó có thêm cơ hội chữa bệnh tốt hơn. Thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường để có trang thiết bị tốt hơn phục vụ khám chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa qua, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế - là quỹ của toàn dân mà trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành là bảo đảm để Quỹ được phát triển, ổn định, phục vụ người dân.
Bộ trưởng chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là do nhận thức, trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mới đây nhất, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua đã có nhiều quy định về vấn đề này, ngoài ra cũng có các thông tư quy định về các định mức kỹ thuật, trần thanh quyết toán, tăng cường giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông để kiểm soát chi phí.
Hướng dẫn cụ thể về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh
Trả lời chất vấn của đại biểu về Thông tư số 03 quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua làm việc với địa phương, Bộ đã nắm được khó khăn, vướng mắc này. Bộ đã dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành, việc xác định cấp có thẩm quyền hướng dẫn nội dung này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ hay của địa phương là chưa rõ ràng, bởi các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp địa phương là do kinh phí của địa phương tài trợ. Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đã có công văn gửi các Sở Khoa học công nghệ để tham khảo, tham mưu cho lãnh đạo địa phương xem xét, quyết định.
Đối với Thông tư 03, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để xác định rõ cấp có thẩm quyền trong việc lập dự toán, quản lý sử dụng, quyết toán kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp địa phương. Nếu điều này được thực hiện, sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ ở địa phương đạt kết quả tốt hơn.
Tạo nguồn tuyển đầu vào giáo viên
Trả lời phần chất vấn của đại biểu liên quan đến việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nêu một số đề xuất về giải pháp. Theo Bộ trưởng, hiện nay tình trạng này xảy ra nhiều hơn ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và đối với các bậc học mầm non và tiểu học. Theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp là tiến hành sắp xếp, dồn, dịch rất nhiều điểm trường, với con số 3.033 điểm trường đã được sắp xếp trong 5 năm qua.
Với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, Bộ trưởng đề nghị tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương. Theo đó, đối với các nơi tỷ lệ biên chế viên chức giáo dục lớn, cần cân nhắc việc giảm này để đảm bảo đủ giáo viên. Đối với những vùng có điều kiện kinh tế khá, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn. Ngoài ra, cần có giải pháp về nguồn tuyển, chuẩn bị nguồn tuyển, đầu vào, để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển.
Tiếp cận theo hướng đồng bộ và liên ngành
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, 6 lĩnh vực được đưa ra chất vấn đều hết sức quan trọng. Ý kiến của đại biểu nêu đã tập trung vào những vấn đề cụ thể, khái quát cho những vấn đề hết sức căn cơ, đặt ra vấn đề bức xúc, cấp bách của cử tri trong cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Thủ tướng cho rằng, các Bộ trưởng đã trả lời rất chi tiết, cụ thể trong bức tranh quản lý ngành, do đó cần tiếp cận các vấn đề này một cách hệ thống, đồng bộ và liên ngành.
Liên quan đến vấn đề năng suất lao động, thời gian qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Chương trình để thực hiện về năng suất lao động, đặt ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025-2030, dựa trên các chỉ tiêu phấn đấu đối với từng lĩnh vực và đề ra nhiều giải pháp. Lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chủ trương của Đảng, trong đó, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng khẳng định, văn hóa không những là nền tảng quan trọng về tinh thần, mà còn là nền tảng quan trọng về vật chất, như các ngành công nghiệp văn hóa. Chính phủ sẽ trình Quốc hội về một chương trình mục tiêu quốc gia tổng thể về chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời gian tới, trong đó sẽ đề cập tới những tồn tại hiện nay, kể cả về vấn đề nhận thức và lý luận, cũng như những nhiệm vụ ưu tiên để có thể xây dựng một nền văn hóa xứng tầm với vị trí, vai trò./.