Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề nghị xử lý các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc
Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá.
TTXVN - Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Ngăn chặn hành vi thao túng thị trường
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá và quản lý thuế, tài chính, tín dụng doanh nghiệp, nhất là điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá.
“Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Do đó cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại hiện nay”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Theo đại biểu, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo… Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
“Tuy nhiên, trong thực tế diễn biến của các phiên đấu giá, khi hành vi của các chủ thể không bình thường, dự thảo luật cần quy định hoãn hoặc dừng phiên đấu giá”, đại biểu Tạ Thị Yên gợi mở.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị xem xét, bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, thời gian vừa qua đã xảy nhiều trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt với các tài sản có giá trị sau đấu giá rất lớn như biển số xe hoặc bất động sản. “Trong khi đó, quy định của Luật Đấu giá tài sản chưa có chế tài khi người đấu giá bỏ cọc, chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền thì mất tiền cọc”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định, các tài sản do Nhà nước quản lý, khi đấu giá thì không được bỏ cọc. “Cần bổ sung, điều chỉnh chế tài về hành vi bỏ cọc này; có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc để tránh đấu giá thành công rồi bỏ cọc”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, mức giá khởi điểm khá thấp, chẳng hạn, mức giá khởi điểm đấu giá số điện thoại chỉ 262.000 đồng.
Nêu thực tế, một số tài sản có giá khởi điểm thấp nhưng giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn, bổ sung thêm mức giá theo phần trăm, ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định như trong dự thảo luật.
“Chẳng hạn khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 đồng nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu đồng, mức giá tiếp theo nên là 5% của 1 triệu đó. Khi đến 100 triệu đồng, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu đồng. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp. Tương tự, nhiều biển số ô tô được đấu giá lên đến hàng tỷ đồng nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu đồng đã thắng, là rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỷ, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ví dụ.
Góp ý kiến về quy định bỏ kết quả đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nếu người đấu giá chứng minh được yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý. Tuy nhiên, nếu không chứng minh được, nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian nhất định.
Trong trường hợp người trúng đấu giá không nhận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất có thể cho phép người đấu giá cao thứ hai có quyền được nhận tài sản để hạn chế không phải đấu giá lại, mất thời gian và công sức.
Mở rộng thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình
Góp ý tại tổ vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này nhằm tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về tính tương thích của luật với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị rà soát tổng thể các nội dung của dự án Luật có liên quan đến các luật khác như Luật Doanh nghiệp (quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; quy chế, cơ chế tài chính của các tổ chức tham gia trong động viên công nghiệp); Luật Sở hữu trí tuệ (trong trường hợp Nhà nước có thể trưng dụng, trưng mua sản phẩm sở hữu trí tuệ, chuyển giao sáng chế, giải pháp sáng kiến kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp)…
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với những cơ sở về chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như tờ trình của Chính phủ, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật có đưa ra khái niệm “tổ hợp vũ khí” nhưng tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không có khái niệm này mà chỉ có khái niệm “tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất”. Do vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất chung trong hệ thống pháp luật.
Để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần cân nhắc mở rộng việc thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình nhằm huy động tối đa lực lượng trong và ngoài quân đội để xây dựng, từng bước hoàn thiện việc sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật./.