Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Một nội dung quan trọng trong ngày làm việc là công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật và chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan. Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 46 điều.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm, yêu cầu đối với dự án Luật; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều.

Một nội dung quan trọng trong ngày làm việc là công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu. Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn và Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm