Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế- xã hội
Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan.
TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tán thành và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát ý kiến đại biểu Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị tiếp tục rà soát các điều khoản cụ thể, bổ sung hành vi bị cấm. Về công trình lưỡng dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để xem xét trong tình trạng chiến tranh có thể chuyển công trình dân sự thành công trình quân sự. Đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi trục lợi khi chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng.
Cho ý kiến về khoản 2, Điều 18 quy định chế độ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhóm đặc biệt, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu bổ sung, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về “trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa, di tích lịch sử”, đồng thời nghiên cứu tiếp thu thêm về các công trình văn hóa và di tích lịch sử có giá trị đặc biệt mà người dân có nhu cầu vào tham quan, học tập.
Cho rằng cần cân nhắc thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nhấn mạnh: Thẩm quyền của Chính phủ đối với chế độ bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược và hành lang an toàn kỹ thuật và hệ thống ăng-ten quân sự được quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 18, dự thảo nên xem xét bỏ quy định này, không bao quát hết thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ cho tất cả trường hợp còn lại chưa được liệt kê tại điều luật để tránh mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện đối với những việc có tác động không lớn.
“Thẩm quyền này nên được cân nhắc xem xét kỹ đối với từng trường hợp cụ thể và quy định trong văn bản về trình tự, thủ tục cho phép hoạt động quản lý các công trình quốc phòng và khu quân sự”- Đại biểu Đoàn Thị Lê An thảo luận.
Nêu ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) bày tỏ quan tâm đến việc dự thảo Luật quy định về xác định phạm vi khu vực cấm trên không của công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đại biểu, khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự là khu vực cần được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Do vậy, việc xác định phạm vi khu vực cấm là hết sức quan trọng, vừa phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh nhưng cũng phải bảo đảm những yêu cầu khác về phát triển kinh tế, xã hội. Qua nghiên cứu, đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung quy định của dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy hợp lý.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nói đến chiều cao không gian là liên quan đến không phận được quy định trong Luật Biên giới quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Biên giới quốc gia, đồng thời còn phải rà soát đến các công ước quốc tế về không phận, không gian.
Theo thông lệ quốc tế hiện nay thì chiều cao không gian mà các quốc gia sử dụng đối với máy bay dân dụng tính từ mặt biển lên đến không trung là từ 10 đến 12 km. Đối với máy bay quân sự thì đến 21 km. Tuy nhiên, Liên đoàn Hiệp hội hàng không quốc tế cho rằng biên giới không gian của các quốc gia có thể tối đa đến 100 km, bởi vì trên 100 km là thuộc về không gian vũ trụ và phần lớn các nước thế giới dùng vào nghiên cứu vũ trụ- đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.
“Trong tương lai, khoa học quân sự của nước ta phát triển thì chúng ta sẽ có những trạm công trình quân sự trên không. Khi đó, nếu giới hạn như dự thảo hiện nay thì sẽ vướng cơ sở pháp lý. Nên nhân dịp ban hành luật này thì cần phải cập nhật những thông tin cho đầy đủ”, đại biểu nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận; nhấn mạnh Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu giải thích kỹ lưỡng và chi tiết mọi khái niệm thì Chương 2 sẽ có dung lượng rất lớn, bao hàm nhiều nội dung. Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để giải thích chi tiết, cụ thể, đồng thời đảm bảo được bố cục hài hòa của dự thảo luật.
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, Bộ trưởng cho biết, việc phân loại, phân nhóm trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04 của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cho biết, công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại và cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao./.