Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chuẩn bị kỹ công tác tổ chức và nội dung làm việc

Hà Nội

Các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị rất cẩn trọng, mỗi đại biểu đều đã lựa chọn những nội dung mà bản thân hoặc đông đảo cử tri quan tâm nhất, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, các vấn đề quan trọng của đất nước để tham gia thảo luận.

Toàn cảnh phiên khai mạc (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể sáng 23/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Chia sẻ với phóng viên, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, Kỳ họp này Quốc hội sẽ giải quyết khối công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp lần này đã có sự chuẩn bị rất kỹ cả về công tác tổ chức, nội dung làm việc.

*Chuẩn bị chu đáo

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Nhiều dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp này là những dự luật hết sức quan trọng, là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)… Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Những nội dung dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quy định pháp luật, giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ cũng như các mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để bảo đảm thành công của kỳ họp cũng như chất lượng của các quyết sách của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực hết mình, làm việc khẩn trương, hết công suất nhằm chuẩn bị tài liệu các nội dung trong chương trình kỳ họp. Các Ủy ban đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đóng góp, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp lần này là đúng đắn, kịp thời; thể hiện trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với đất nước, với cử tri và Nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, nội dung kỳ họp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan chuẩn bị thấu đáo, kỹ càng. Nhiều nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến không chỉ một lần, Hội đồng Dân tộc thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức trước kỳ họp nên chắc chắn các Báo cáo, Hồ sơ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết... khi ra tới kỳ họp thứ 6 đã được chuẩn bị tốt nhất.

Các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị rất cẩn trọng, mỗi đại biểu đều đã lựa chọn cho mình những nội dung mà bản thân hoặc đông đảo cử tri quan tâm nhất, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, các vấn đề quan trọng của đất nước để tham gia thảo luận tại Tổ và tại Hội trường trong kỳ họp này.

“Với khối lượng nội dung khá đồ sộ, tôi mong rằng các phiên thảo luận tiếp tục được bố trí thời gian hợp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu thoả đáng các nội dung trước khi tham gia vào các phiên họp cụ thể”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, một trong những điểm đổi mới của Kỳ họp thứ 6 lần này là việc Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội sớm. Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu - điều này góp phần quan trọng vào chất lượng của các phiên họp nói riêng và của cả Kỳ họp nói chung.

Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 6 vẫn tổ chức làm hai đợt họp tập trung, có một thời gian nghỉ giữa hai đợt họp để các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ có thời gian tổng hợp, tiếp thu và giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội có ý kiến. Tôi cho rằng, sự linh hoạt ấy góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Theo đại biểu, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội và Chính phủ đều nỗ lực chuẩn bị từ sớm, từ xa. Với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu, các bộ ngành và các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, thảo luận để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội.

*Đáp ứng kỳ vọng của nhân dân

Các đại biểu cho rằng, tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Trong khuôn khổ kỳ họp, cử tri và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, theo dõi việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thông qua đó góp phần tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, Kỳ họp thứ 6 sẽ là hoạt động quan trọng của Quốc hội để đánh giá uy tín, năng lực của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, các lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" là vô cùng quan trọng. Đại biểu nhấn mạnh, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa, nhất là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực, phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu Quốc hội đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu, trên cơ sở đó cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại ở những ngành, lĩnh vực cụ thể để kịp thời có những giải pháp để khắc phục.

“Không chỉ các đại biểu Quốc hội mà đông đảo cử tri và nhân dân cũng rất quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, hoạt động chất vấn vẫn luôn là hoạt động có "sức nóng" và "sức nặng" tại nghị trường”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm đặc biệt quan tâm tới các nội dung trong lĩnh vực xã hội như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, gia đình, chính sách đối với Người có công với cách mạng, các dự án luật đang thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri như dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)... Từ góc độ đại diện cho cử tri, tôi quan tâm tới các vấn đề về xây dựng nông thôn mới, y tế, dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ...

Đại biểu bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng Kỳ họp thứ 6 có chất lượng cao, sẽ đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Kỳ họp sẽ là diễn đàn để những nội dung quan trọng được thảo luận, tìm kiếm giải pháp; những vấn đề "nóng", vấn đề gây bức xúc trong xã hội sẽ được đưa ra "mổ xẻ", chất vấn để đi tới cùng trong giải quyết các vấn đề./.


Đỗ Bình

Xem thêm