Cử tri và nhân dân Thủ đô hoan nghênh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Luật quan trọng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
TTXVN - Ngày 20/10, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết, cử tri và nhân dân Thủ đô đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng vững mạnh trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đặc biệt là công tác quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2030.
Cử tri và nhân dân Thủ đô hoan nghênh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Luật quan trọng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi)... Cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phục hồi phát triển kinh tế, giải quyết một số dự án tồn đọng, kéo dài, thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông, quy hoạch...
Đặc biệt, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kinh tế, xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân đề nghị Chính phủ có giải pháp để các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng theo định hướng và tầm nhìn dài hạn nhằm khắc phục hiện tượng lãng phí như công trình đầu tư nhanh bị lạc hậu, không tương xứng với sự phát triển của thực tiễn xã hội. Đối với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, cử tri kiến nghị việc quá tải bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ...
Về giáo dục, cử tri đề nghị Quốc hội có giải pháp tháo gỡ và giảm áp lực cho học sinh, gia đình cũng như xã hội về việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập; quan tâm, ưu tiên xây dựng thêm trường, lớp, mua sắm cơ sở vật chất tốt cho học sinh, nhất là bậc Mầm non, Tiểu học. Cử tri tiếp tục kiến nghị việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tồn tại trong một địa phương, mỗi trường lựa chọn giảng dạy bộ sách giáo khoa khác nhau, gây lãng phí, tốn kém, thiếu thống nhất trong nội dung chương trình giảng dạy. Cử tri đồng tình với việc xây dựng một bộ sách giáo khoa.
Về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giao thông, đô thị, cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm đầu tư các dự án giao thông nhằm giảm ùn tắc, ngập úng, giải quyết dứt điểm các dự án treo kéo dài từ 10-20 năm này, làm mất mỹ quan đô thị, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, làm giảm lòng tin của người dân với chính sách của Nhà nước. Quốc hội đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn trong quản lý do chính sách không đồng bộ, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Cử tri đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định liên quan về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo triển khai hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp triệt phá các đường dây đánh bạc, chơi lô đề, cá độ trên mạng, các băng nhóm đòi nợ thuê, vay nặng lãi, lừa đảo tuyển dụng lao động, bán hàng đa cấp đảm bảo an toàn xã hội.
Đối với công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhân dân lo ngại tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra ở ngành, nhiều lĩnh vực và ngày một tinh vi. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, tiêu cực, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhân dân đề nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý kiên quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt, tăng cường đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng vặt đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời thông tin kịp thời, công khai, minh bạch kết quả điều tra để nhân dân biết và giám sát.
Cử tri và nhân dân mong muốn, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến dấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất, tài sản công, tài chính, thuê, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng...; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.../.