Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
TTXVN - Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đây là năm giữa nhiệm kỳ nhưng Quốc hội đã rất tích cực, khẩn trương, hoàn thành trên 82% nhiệm vụ xây dựng pháp luật.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về việc Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Bùi Văn Cường khẳng định, việc này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội vì trong quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, đánh giá kỹ tác động từ các chính sách, bảo đảm Luật khi được ban hành đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo. “Không phải vì phải thông qua tại Kỳ họp này mà bấm nút, như thế làm cho tính ổn định của Luật không dài, do vậy phải lùi, sẽ thông qua vào thời điểm thích hợp”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vấn đề này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền và có thể được xem xét tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024, cùng một số nội dung cấp bách khác theo đề nghị của Chính phủ.
"Vì sự phát triển kinh tế - xã hội rất cần Quốc hội đồng hành Chính phủ trong việc cho ý kiến, quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Cứ mỗi năm 2 kỳ họp thì “lỡ” 6 tháng, có thể làm chậm sự phát triển. Do đó, Chính phủ thấy cần thiết sẽ đề nghị và Quốc hội đánh giá sự cấp bách, tác động tới thúc đẩy phát triển thì sẽ họp ngay để giải quyết”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết.
Trao đổi về quy định lấy mống mắt tại Luật Căn cước, vừa được Quốc hội thông qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, thông tin về mống mắt sẽ được cơ quan chức năng thu thập bằng thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Khi người dân làm mới, cấp đổi lại thẻ căn cước, cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm giàu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Điều 46, Luật Căn cước có quy định về việc chuyển tiếp. Theo đó, với thẻ căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng bình thường, không phải đến cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin. Trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, thay đổi thẻ căn cước sẽ đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn.
Liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cho biết, vấn đề bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102, dự thảo Luật. Chính phủ hiện đang trình ra hai phương án, trong đó với phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: những người tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật có hiệu lực thì được rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng những người tham gia sau thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án thứ hai là người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ủy ban Xã hội nhận thấy, trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần; tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các lựa chọn, làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.
Ông Đinh Ngọc Quý cho biết, thời gian tới, Thường trực Ủy ban sẽ làm việc với các cơ quan bàn về từng nội dung, trong đó có vấn đề nhận bảo hiểm xã hội một lần./.
- Từ khóa:
- Kỳ họp thứ 6
- Quốc hội khóa XV
- Họp báo