Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Ngăn chặn thất thoát ngân sách trong đấu giá tài sản
Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 28/11, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 465/469 đại biểu có mặt tán thành (tương đương 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật quy định về kinh doanh bất động sản, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là mức tiền đặt trước, quyền, trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản...
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được đưa ra bán đấu giá với giá trị, tính chất khác nhau. Theo quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Đại biểu đề nghị giữ quy định như hiện hành, tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá bởi nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này. Đại biểu nêu hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ” lộng hành, hay thông đồng, làm sai lệch kết quả đấu giá, đe dọa người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng “giá ảo" để thao túng thị trường... Đại biểu cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng này, dự thảo Luật quy định xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, cần nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,93%). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 78,14%). Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Tiếp đến, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; chủ động tự lực, tự cường, củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật xác định quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch năm 2017, chỉ có 39 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó không có các quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, chỉ có công nghiệp quốc phòng nằm trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này.
Cùng quan tâm tới khía cạnh trên, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) lại đề nghị chỉ lập một quy hoạch duy nhất là quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, không tách ra thành hai quy hoạch như trong dự thảo Luật thiết kế tại khoản 1, Điều 72 để tránh trùng lặp, dàn trải trong đầu tư.
Cũng tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã làm rõ về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và chính sách hỗ trợ động viên công nghiệp, cho rằng những vấn đề này cần tổ chức thực hiện ngay từ trong thời bình; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi xây dựng các cơ sở công nghiệp.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần xác định rõ phương hướng, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: “Đất nước của chúng ta là đất nước làm giàu từ biển thì công nghiệp quốc phòng không phải chỉ có lục địa. Chúng tôi sản xuất tất cả các loại vũ khí, trang bị bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu liên quan đến cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng an ninh, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương quân đội, nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, chính sách về cơ sở quốc phòng nòng cốt, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh…/.