Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề xuất trao quyền cho HĐND thành phố Hà Nội ban hành chính sách thu hút người tài
Quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù.
TTXVN - Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy định quyền hạn của từng cấp chính quyền
Thảo luận về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp tục bám sát các yêu cầu về quy hoạch, quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15 để thể chế hóa rõ ràng, cụ thể thành các quy phạm.
Theo đại biểu, quy định về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị còn mang tính nguyên tắc. Trong khi đó, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển nhà ở, hạ tầng giao thông... còn khái quát, chưa đồng bộ, chưa giải quyết vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra trong thời gian qua tại Hà Nội như: tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, xây dựng và quản lý xây dựng chung cư mini...
Cho rằng việc trao thẩm quyền cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc quyết định mô hình các cơ quan chuyên môn giúp việc, cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện, tiêu chí thành lập, loại hình tổ chức này.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù. Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, dự thảo Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, tạo ra "cú hích" trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút; có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ để thu hút, giữ chân được người tài; đồng thời xây dựng môi trường làm việc phù hợp, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới nhằm tạo điều kiện cho người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách
Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) thống nhất với dự thảo Luật, quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường, vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố là hợp lý.
"Tuy nhiên, dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách lên ít nhất 30-40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố", đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị.
Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND thành phố Hà Nội.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu là phù hợp trong bối cảnh Thủ đô là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước, với tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%.
"Với số lượng 95 đại biểu HĐND như hiện nay thì tỷ lệ quá thấp, ảnh hưởng đến tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô. Mặt khác, việc không tổ chức HĐND phường, việc tăng số lượng HĐND ở thành phố sẽ góp phần tăng cường kiểm soát, giám sát quyền lực đối với chính quyền cấp dưới", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Tham gia tranh luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, nên quy định Chánh Văn phòng HĐND là Ủy viên HĐND, bởi theo dự thảo Luật, sẽ tăng thêm một Phó Chủ tịch HĐND, như vậy lãnh đạo Thường trực HĐND có 4 người, thêm 4 trưởng ban của HĐND là 8 người. Trong khi đó, chế độ hoạt động của Thường trực HĐND là chế độ hoạt động tập thể, quyết định theo đa số, phải có 9 người mới đảm bảo được thực hiện chế độ quyết định theo đa số.
Trên thực tiễn, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, Chánh Văn phòng HĐND đều tham gia quá trình tham mưu các hoạt động. Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND là thành viên Ủy ban; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Do đó, nên quy định nội dung này để vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa đảm bảo tình hình thực tiễn./.