Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước.
TTXVN - Ngày 25/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 19. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo.
Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tiến hành thẩm tra một số nội dung thuộc thẩm quyền, gồm: Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung một số dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, dự kiến sẽ thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang trên cơ sở nguyên trạng 171,01 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 229.162 người của huyện Việt Yên. Thành lập 9 phường (Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.
Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Đề án thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng đủ quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đầy đủ và có điểm tiến bộ là ngoài hồ sơ trình còn kèm theo dự thảo kế hoạch tổ chức triển khai. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 là thời gian phải khẩn trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Khối lượng công việc là rất lớn, vì vậy, đòi hỏi phải có cách thực hiện, triển khai công việc phù hợp, linh hoạt đáp ứng yêu cầu đề ra.
Với các Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, ý kiến của Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật này. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo và chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đa số ý kiến thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) được kiến nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9./.
- Từ khóa:
- Phiên họp toàn thể
- Ủy ban Pháp luật