Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Ngăn hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là mức tiền đặt trước, quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên.
TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là mức tiền đặt trước, quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản...
*Mức tiền đặt trước từ 5-20% là phù hợp
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được đưa ra bán đấu giá với giá trị, tính chất khác nhau. Theo quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Đại biểu đề nghị giữ quy định như hiện hành, tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Bởi, nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá.
Đại biểu cũng đề cập việc một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải để mua tài sản, sẵn sàng mất tiền cọc. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị nộp phạt thêm, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ, giá trả cao từ mấy chục lần tới hơn 200 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, Luật chưa quy định quyền của đấu giá viên hay quyền của người có tài sản đấu giá yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp trên. Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị rà soát, bổ sung nội dung này.
*Quy định chặt chẽ quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
Đại biểu nêu hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ” lộng hành, hay thông đồng, làm sai lệch kết quả đấu giá, đe dọa người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng “giá ảo" để thao túng thị trường... Đại biểu cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng này, dự thảo Luật quy định xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, cần nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản.
Về những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính (nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ ngành nghề, công việc, nguồn vốn, lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính, kinh tế…).
"Những bổ sung này là rất cần thiết, nhất là người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản 'phi vật thể' là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng. Quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh kinh tế, quốc phòng..., vì vậy, không phải ai cũng có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá", đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như: Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”: thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá. Quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập…
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.
Đối với tài sản thi hành án, đại biểu cho rằng, đây là tài sản đặc thù. Mặt khác chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án, cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản./.