Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Quyết tâm trong thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu của OECD
Việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ 1/1/2024.
TTXVN - Sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
*Phân tách rõ ràng hơn
Góp ý về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho biết, đây là dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Từ đó đến nay (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), dự án Luật đã được chỉnh sửa rất nhiều.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, giữa dự án Luật này và Luật Đường bộ cùng xuất phát từ một luật (Luật Giao thông đường bộ) nên cách đánh giá, cách hiểu ở nhiều điểm còn có sự trùng lặp.
Đại biểu dẫn chứng về trung tâm chỉ huy giao thông đang được cả 2 dự án Luật quy định, dù góc độ khác nhau nhưng vẫn có sự trùng lặp. Hay nội dung đưa đón học sinh đi học bằng xe ô tô cũng đang được quy định trong 2 dự án Luật. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải đánh giá, phân tách rõ hơn.
Dự thảo Luật quy định cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đại biểu, dấu hiệu vi phạm pháp luật là một khái niệm rất rộng, nếu quy định như vậy sẽ rất khó khi áp dụng trong thực tế. Nếu không quy định cụ thể dễ dẫn đến việc lạm quyền, vi phạm quyền của công dân hoặc của người tham gia giao thông khi dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi lẽ vi phạm pháp luật có rất nhiều lĩnh vực từ hình sự, dân sự, hành chính... Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hành vi vi phạm pháp luật về hành chính hoặc hình sự; từ đó rõ thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông.
Điều 81 dự thảo Luật quy định: Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc đăng ký phương tiện giao thông, bằng lái xe rất nhiều thủ tục phức tạp. "Do đó, nếu không có ảnh hưởng gì với những giấy phép lái xe đã được cấp hợp pháp từ giai đoạn trước, trường hợp cần phải đổi thì mới đổi; còn với những trường hợp chỉ thay đổi về mẫu mã thì không nhất thiết phải đổi”, đại biểu Tống Văn Băng đề nghị và cho biết điều này giúp tránh mất thời gian, kinh phí bởi dù cấp miễn phí cho người dân nhưng đây cũng là ngân sách nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước đây còn có tranh luận có nên tách Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ hay không, giờ Quốc hội đã cơ bản thống nhất.
Bộ trưởng dẫn Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ: "Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên".
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, quá trình soạn thảo, nguyên tắc luôn được nhấn mạnh là xây dựng luật để quản lý nhà nước, quản trị xã hội nhưng luật phải phục vụ nhân dân. "Phải nhấn mạnh lợi ích của nhân dân, tinh thần là để phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, để nhân dân hiểu được lợi ích của họ được bảo đảm, thu hút họ tự giác thực hiện", Bộ trưởng chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật như các lý do trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục hạn chế, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Dự thảo Luật quy định “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” thuộc hành vi bị nghiêm cấm. Cho rằng quy định này là cần thiết nhằm giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện.
Dẫn điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị quy định bắt buộc với một số loại phương tiện, nhất là phương tiện kinh doanh vận tải thì khả thi hơn.
“Nếu quy định áp dụng cho tất cả phương tiện mà làm được thì tốt, nhưng để khả thi trong bối cảnh hiện nay thì nên nghiên cứu bắt buộc với ô tô kinh doanh vận tải vì rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên quan đến phương tiện này. Còn các phương tiện khác thì khuyến khích”, ông Thắng nêu quan điểm.
Cũng trong sáng nay, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu cho rằng, cần thiết ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tìm ra được những "đòn bẩy" kinh tế mới, hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành, địa phương mình.
Điều này nhằm bảo đảm quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.../.