Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cử tri Đà Nẵng kỳ vọng chính sách đặc thù sẽ tạo động lực phát triển mới

Đà Nẵng

Cử tri, nhân dân Đà Nẵng kỳ vọng việc Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết này sẽ là “tấm áo mới", tạo động lực, không gian phát triển cho kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh phiên họp. 
Ảnh: Phương Hoa - TXVN

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính quyền đô thị và thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng do Chính phủ trình. Cử tri, nhân dân Đà Nẵng kỳ vọng việc Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết này sẽ là “tấm áo mới", tạo động lực, không gian phát triển cho kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới.

Trong 21 chính sách đặc thù dự thảo Nghị quyết, có 16 chính sách đã được Quốc hội cho phép thực hiện ở các tỉnh, thành phố khác hoặc có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện Đà Nẵng. Đặc biệt, có 5 chính sách hoàn toàn mới, trong đó đáng chú ý là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo cử tri Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu thương mại tự do là mô hình mới tại Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Thực tế, khu thương mại tự do đã hình thành, phát triển cách đây hàng chục năm ở các nước trong khu vực và cũng như trên thế giới, như: Singapore, Malaysia, UEA, Trung Quốc, Hoa kỳ... Mô hình này đã được chứng minh rất thành công ở một số quốc gia, trong đó có cả những nước đã phát triển và đang phát triển.

Cử tri Nguyễn Tiến Quang cho rằng, Đà Nẵng hội đủ những điều kiện tối ưu, lợi thế lớn để hình thành khu thương mại tư do. Khi được hình thành, mô hình mới này sẽ là "cú hích" cho phát triển kinh tế của thành phố và cả khu vực miền Trung thời gian tới. Với "lợi thế của người đi sau", cử tri hy vọng Khu thương mại tự do Đà Nẵng trong tương lai sẽ là tích hợp của những kinh nghiệm, mô hình thành công của thế giới, có cơ chế, tiện ích vượt trội, góp phần khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Ông Vũ Quang Hùng, đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng nêu rõ: Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, khu thương mại tự do (FTZ) chính là "chìa khóa" thu hút đầu tư, công nghệ và phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được Chính phủ trình lên Quốc hội.

Mô hình khu thương mại tự do có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa từng được thí điểm. Nguyên nhân đầu tiên do hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các khu thương mại tự do chưa được Luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng, chưa phân biệt rõ ràng các thuật ngữ, như: khu phi thuế quan, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho ngoại quan hay khu thương mại tự do theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc khu thương mại tự do chưa được nhìn nhận đầy đủ về các lợi ích đem lại từ các tác động của chúng dưới góc độ kinh tế - xã hội.

Để phát triển khu thương mại tự do trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở Đà Nẵng, cử tri kiến nghị cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng, định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ ở quy mô vùng và liên vùng. Mặt khác, chính quyền cần rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế - thương mại và các chính sách liên quan, như: phát triển nguồn nhân lực, các tiện ích (tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, y tế…) để phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong khu thương mại tự do.

Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây, hoàn toàn có thể thiết lập được khu thương mại tự do. Tại đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hóa đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn. Để làm được điều này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để có thể quy hoạch, tạo ra được một khu thương mại tự do trong thời gian sớm nhất - ông Vũ Quang Hùng nói./.

 

Trịnh Quốc Dũng

Tin liên quan

Xem thêm