Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đề xuất áp dụng cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết; tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.iếp tục chương trình làm việc, chiều 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Đề xuất 2 loại quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật có một số điểm mới liên quan đến quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).
Cùng với đó là khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển...
Dự thảo Luật đề xuất gộp 3 Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thành 2 Quy hoạch. Đó là: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công.
Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp phép cũng được quy định trong dự thảo Luật. Việc phân công, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật cũng như quy định phân 4 nhóm khoáng sản như dự thảo Luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.
Về quy hoạch khoáng sản, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ tác động của quy định mới này đối với công tác quản lý nhà nước; đồng thời, giải trình rõ hơn cơ sở xác định các loại quy hoạch khoáng sản, nội dung quy hoạch có bao gồm “chế biến và sử dụng” khoáng sản hay không; làm rõ lý do bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ. Có ý kiến đề nghị gộp 2 loại quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (nhóm I và nhóm II) như dự thảo Luật vào 1 quy hoạch là “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, II” do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập.
Hạn chế tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản
Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu, dự thảo luật đã 'phát sinh' thêm 2 thủ tục liên quan đến: thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 36 dự thảo Luật); bổ sung, điều chỉnh phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò; thăm dò bổ sung (điểm c khoản 1 Điều 50, điểm h khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật).
"Dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà chưa làm rõ được quy trình, thủ tục thực hiện. Hồ sơ dự án Luật cũng chưa thể hiện đánh giá tác động về chi phí tuân thủ pháp luật cũng như yêu cầu quản lý nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh", đại biểu Tạ Thị Yên nêu.
Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính, các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính; cắt giảm các thủ tục không cần thiết; tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Dẫn chứng cho đề xuất trên, đại biểu Tạ Thị Yên đưa ra ví dụ, theo khoản 5 Điều 29 Dự thảo Luật, các tỉnh, thành phố sẽ khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, sau đó xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cho rằng thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phải xem xét cho từng địa phương, khu vực, đại biểu Yên đề nghị, để việc khoanh định được nhanh chóng, thuận lợi hơn, nên quy định theo hướng, Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Sau đó, trên cơ sở tiêu chí đó, UBND tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt và khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát quy định của dự thảo luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách Trung ương hoặc địa phương. "Hoặc có thể sửa theo hướng, Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản", đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề xuất.
Để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Dương, tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh./.