Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh vệ
Một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh vệ cho phù hợp với thực tế; làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng Cảnh vệ tại Công an một số địa phương.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, chiều 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
* Làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng Cảnh vệ tại Công an một số địa phương
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, về lực lượng Cảnh vệ (khoản 11 Điều 1), một số ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng Cảnh vệ của dự thảo Luật mâu thuẫn với quy định tại Điều 4 và Điều 20 của Luật Cảnh vệ hiện hành, chưa thống nhất với cách quy định về tổ chức trong Luật Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh vệ cho phù hợp với thực tế; làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng Cảnh vệ tại Công an một số địa phương; đề nghị không làm tăng biên chế và bộ máy; có ý kiến đề nghị lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở cấp bộ, không tổ chức ở địa phương và Chính phủ quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện công tác cảnh vệ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Luật hiện hành quy định lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đồng thời quy định trách nhiệm của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác cảnh vệ và tổ chức thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh công tác cảnh vệ của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, phối hợp với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác cảnh vệ trên địa bàn. Các quy định này đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hiện nay với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nên nhu cầu thành lập các đơn vị Cảnh vệ cấp đội thuộc đơn vị cấp phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết, trên cơ sở bố trí, điều chỉnh các biên chế hiện có, không làm phát sinh tổ chức, biên chế.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nội dung quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Cảnh vệ hiện hành để tạo sự thống nhất ngay trong dự thảo Luật và bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ thuộc đơn vị cấp phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ như tại khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật.
* Đề xuất bổ sung thêm đối tượng áp dụng biện pháp cảnh vệ là khách mời theo đề nghị của Ủy ban Đối ngoại
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đề nghị, bổ sung thêm đối tượng áp dụng biện pháp cảnh vệ là khách mời theo đề nghị của Ủy ban Đối ngoại. Bởi, theo Luật Tổ chức Quốc hội và Quyết định 272-NQ/TW của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Ủy ban Đối ngoại là cơ quan tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, trong trường hợp khách mời của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có yêu cầu về cảnh vệ thì cơ quan đề xuất sẽ là Ủy ban Đối ngoại.
Đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Ủy ban Đối ngoại là chủ thể quan trọng trong việc giúp Quốc hội thực hiện các hoạt động đối ngoại. Ông Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội; khẳng định, các ý kiến thảo luận tại tổ, tại hội trường đều được tiếp thu giải trình thấu đáo. Về nội dung các ý kiến khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội nhất trí với giải trình, đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật được chỉnh lý; đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục rà soát, phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, báo cáo giải trình rõ hơn về đối tượng cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam và các nội dung còn ý kiến khác nhau để bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua./.