Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cách đặt vấn đề của đại biểu đã đáp ứng kỳ vọng của cử tri
Qua các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều cử tri rất phấn khởi và đặt kỳ vọng về sự đổi thay trong thời gian tới.
Từ ngày 4-6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra các phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Qua các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều cử tri rất phấn khởi và đặt kỳ vọng về sự đổi thay trong thời gian tới.
* Đổi mới với phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”
Ông Hoàng Thanh Cảnh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các phiên chất vấn năm nay thật sự có đổi mới với phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”, các đại biểu chỉ hỏi một câu hỏi, các Bộ trưởng trả lời rất trọng tâm, trọng điểm. Nhìn chung, công tác điều hành của Quốc hội, trả lời của các Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan, cách đặt vấn đề của các đại biểu đều đáp ứng được kỳ vọng của cử tri cả nước.
Ông Hoàng Thanh Cảnh cho rằng, hiện du lịch cả nước và tỉnh Quảng Bình nói riêng đang trên đà phục hồi và phát triển sau COVID – 19. Trong hai năm qua, số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Quảng Bình ngày càng tăng, đây là điều rất phấn khởi. Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là việc kích cầu du lịch, nhất là giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm, khắc phục tình trạng du lịch mang tính thời vụ. Ông Hoàng Thanh Cảnh tâm đắc nhất là dùng các thiết chế văn hóa để kích cầu du lịch, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Thanh Cảnh cùng nhiều cử tri cũng quan tâm đến giá vé máy bay hiện nay, đặc biệt là giá vé máy bay quốc nội đang ngày càng tăng cao. Đây cũng đang là rào cản cho du lịch phát triển. “Tôi kỳ vọng sắp tới các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để giá máy bay có thể trở về giá thực của nó, góp phần vào hỗ trợ những người có nhu cầu đi du lịch và các địa phương có tiềm năng về du lịch phát triển kinh tế một cách bền vững. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch hơn nữa, cũng cần đòi hỏi phải có sự đầu tư về con người và chính sách, cơ chế”, ông Hoàng Thanh Cảnh nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Đản (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho rằng, Kỳ họp đã được chuẩn bị kỹ càng về các nội dung, đặc biệt là xem xét về các luật rất chắc chắn. Với các luật đang có nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã đem ra thảo luận, khi thảo luận nhất trí rồi thì mới thông qua. Qua đó sẽ nâng cao chất lượng, giúp luật ngày càng đi vào cuộc sống.
*Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Huỳnh Thị Loan, cử tri Phường 15, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn. Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người như tại Nha Trang, Đồng Nai và tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm của gần 20 sinh viên Đại học quốc gia Thành phố. Điều đó cho thấy dù đã có nhiều cố gắng của các ngành, cấp nhưng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đánh giá cao các giải pháp về kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Chính phủ mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra, bà Huỳnh Thị Loan cho rằng, không chỉ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm được xử lý công khai, nghiêm khắc sẽ góp phần tuyên truyền, xây dựng ý thức của doanh nghiệp, người dân đối với vấn đề này và cũng góp phần răn đe, ngăn chặn các việc làm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm cho thấy chính quyền rất quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng cũng rất cần có sự phối hợp hơn nữa giữa các ngành chức năng như Nông nghiệp, Công Thương, Quản lý thị trường… để đảm bảo cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện ngay từ khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Theo bà Huỳnh Thị Loan, để giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất cần sự quan tâm hơn nữa của Quốc hội, Chính phủ, các ngành và các địa phương trong xây dựng pháp luật và tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có giải pháp vận động, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh để từ đó ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ đường đi của các loại thực phẩm, đảm bảo chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
*Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nông thôn
Cử tri Đoàn Văn Hòa, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Hưng Yên đánh giá cao phương pháp thảo luận tại Kỳ họp lần này. Lấy ví dụ thực tế về việc phát triển du lịch ở Hưng Yên, ông Đoàn Văn Hòa chia sẻ, Hưng Yên nổi tiếng với câu ca "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây còn được biết đến là cái nôi của nghệ thuật dân gian truyền thống: hát ca trù, hát chèo, hát trống quân. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn...
Ông Đoàn Văn Hòa cho rằng, thời gian tới, Hưng Yên cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận để tạo các tour, tuyến du lịch mới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là thị trường khách du lịch Hà Nội; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, tạo một môi trường du lịch thân thiện... Cùng với đó, tỉnh cần thu hút được nhà đầu tư lớn để đưa Hưng Yên trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Hiệu chia sẻ, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phố Hiến Hưng Yên được xác định là một trong 8 điểm du lịch quốc gia. Do đó, Hưng Yên cần có tư duy đột phá trong phát triển du lịch đặc thù, mang sắc thái riêng; nhận diện giá trị cốt lõi, đặc trưng, điển hình nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho điểm du lịch.
Cử tri Phạm Văn Phương, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm trong nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cử tri Phạm Văn Phương cho biết, hiện nay, tình hình lao động, việc làm ở một số doanh nghiệp đang được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động ổn định. Đời sống nhân dân và công tác an sinh xã hội được quan tâm; việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục góp phần nâng cao đời sống người dân và đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, thuốc khám, chữa bệnh...
Khẳng định vai trò của chính quyền cơ sở trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, tuy nhiên cử tri Phạm Văn Phương cho rằng cấp quản lý trực tiếp không sâu về kiến thức, chuyên môn, vì vậy việc trùng tu, cải tạo các di tích lịch sử, văn hóa một số địa phương chưa được quan tâm quản lý chặt chẽ. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Di sản văn hóa nên quan tâm đến quy định này để điều chỉnh cho sát với thực tế hiện nay của các địa phương./.