Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại
“Quan trọng nhất là phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Không phải bây giờ, từ thời cha ông chúng ta đã làm điều này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Chiều 5/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập và mở cửa.
Lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) về giải pháp duy trì và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, mang đậm nét văn hóa dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác này. Từ đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, truyền dạy đến thế hệ con cháu, bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: “Câu chuyện này không đơn giản”. Theo đó, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở địa phương đang “khép lại” thành một loại hình tổng hợp. Trong khi đó, để tiếp tục giữ, đào tạo và huấn luyện, các đoàn nghệ thuật ở cấp Trung ương cũng rơi vào bối cảnh khó khăn với cơ chế tự chủ và tự chủ một phần để đảm bảo điều kiện hoạt động, từ sáng tác đến biểu diễn và đào tạo. Chính vì vậy, sức hút đào tạo của các ngành nghề nghệ thuật truyền thống trong bộ môn tuồng, chèo hoặc cải lương “chưa nhiều”; điều kiện cho các sinh viên, diễn viên có cơ hội diễn, sinh hoạt còn gặp nhiều hạn chế...
Để phát triển lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó “không thực hiện tự chủ” để loại hình này được phát triển. Cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Theo khả năng và điều kiện, địa phương khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung; có chính sách cho nghệ nhân - những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình nghệ thuật như hát bài chòi, dân ca, quan họ..., được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian.
“Cùng với đó là tập trung kết nối với du lịch. Sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Việc liên kết tạo ra hiệu ứng lan tỏa, qua đó, giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa để có điều kiện phát triển loại hình này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Định) về bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Dự án 6 là “dự án nhấn” về vấn đề này.
Từ năm 2021-2023, ngành Văn hóa được phân bổ khoảng 1.258 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bổ khoảng 104 tỷ đồng, đây là nguồn vốn sự nghiệp để tổ chức đào tạo, tập huấn, trình diễn. Số kinh phí còn lại phân bổ cho các địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở; tổ chức định kỳ Ngày văn hóa dân tộc Việt Nam để tôn vinh các giá trị văn hóa; liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, gặp gỡ trao đổi văn hóa, trong đó chú ý dân tộc có dưới 100.000 dân; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa; xây dựng tủ sách; tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở…
Giữ hồn văn hóa truyền thống ngay từ xóm làng
Trả lời chất vấn của đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) về giải pháp nhằm giảm tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng vùng biên giới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Việt Nam là đất nước giàu văn hóa, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nền văn hóa đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Vì vậy trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập và mở cửa.
“Quan trọng nhất là phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Không phải bây giờ, từ thời cha ông chúng ta đã làm điều này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) về giải pháp xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản; coi di tích, di sản là báu vật thiên nhiên ban tặng, được ngàn đời cha ông ta vun đắp xây dựng, kiến tạo mà thành.
"Luật Di sản đã được Quốc hội ban hành. Trong kỳ họp này, dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Quan điểm chung, chúng ta phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và biến thành tài sản, tài nguyên du lịch, văn hóa nhưng không phải làm bằng mọi giá, đánh đổi. Khi một di tích, di sản văn hóa được công nhận, chính quyền địa phương - nơi được giao trách nhiệm quản lý di tích, di sản, phải có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ các di tích, di sản", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Theo Trưởng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc địa phương tôn trọng và thực hiện đúng các cam kết, phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận là giải pháp căn cơ và bài bản nhất. Từ việc tổ chức thực hiện nghiêm sẽ đi vào tiềm thức cộng đồng, tránh lợi dụng hoặc làm xấu hình ảnh di tích, di sản được công nhận.
Trong khai thác các di tích, di sản này và "biến thành tài sản", Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải xây dựng sản phẩm văn hóa, gắn liền với di tích, di sản, từ đó, bảo đảm cho công tác du lịch. Đây là cách làm sáng tạo của nhiều địa phương.
Về tình trạng lạm dụng trẻ em ở các phiên chợ vùng cao khiến nét đẹp văn hóa truyền thống ở các phiên chợ đang bị mai một, biến tướng được đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nêu, Bộ trưởng khẳng định, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Những ai lợi dụng nét đẹp văn hóa để làm biến tướng, cần phải xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, “cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập”. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc - chủ thể văn hóa, để họ biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình, từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử./.