Cử tri Bùi Nguyên Lượng cho biết, phiên họp đã diễn ra với không khí nghiêm túc, khoa học, các câu hỏi chất vấn của đại biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Sáng 4/6, qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri bày tỏ hài lòng khi các vấn đề đặt ra rất thiết thực, được người dân quan tâm, đồng thời công tác điều hành phiên chất vấn rất rõ ràng, khoa học, linh hoạt.
* Vấn đề đưa ra rất thiết thực với cuộc sống
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, các cử tri tỉnh Sơn La cho hay, cách điều hành của chủ tọa rất khoa học, linh hoạt. Ông Bùi Nguyên Lượng, cử tri ở tổ 12, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La chia sẻ, qua theo dõi không chỉ riêng phiên chất vấn hôm nay, mà các phiên họp trước được truyền hình trực tiếp, việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn rất rõ ràng, khoa học, linh hoạt. Các đại biểu phát biểu đều được quy định cụ thể thời gian để nói rõ về vấn đề cần phải chất vấn, tranh luận. Trước kỳ họp, Quốc hội cũng đã yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh báo cáo những vấn đề cần phải thảo luận, chất vấn, do đó, các vấn đề đưa ra tại phiên chất vấn rất gần với cuộc sống của nhân dân. Cử tri Bùi Nguyên Lượng bày tỏ phấn khởi, hài lòng khi Quốc hội bàn bạc các vấn đề về cuộc sống và đời sống hàng ngày của nhân dân, được nhiều cử tri quan tâm.
Cũng theo cử tri Bùi Nguyên Lượng, phiên họp đã diễn ra với không khí nghiêm túc, khoa học, các câu hỏi chất vấn của đại biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc lĩnh vực quản lý nên trả lời nghiêm túc, ngắn gọn, đúng trọng tâm và làm rõ những vấn đề chất vấn của đại biểu nêu ra.
Ngoài ra, cử tri Bùi Nguyên Lượng cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề hiện nay còn bất cập, chưa giải quyết được liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên biển quốc gia, việc sản xuất vật liệu xây dựng; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn… Đây là những vấn đề người dân đang rất quan tâm, nhất là việc thiếu nước mùa hè và thừa nước mùa mưa lũ. Cử tri Bùi Nguyên Lượng dẫn thí dụ như ở Sơn La, người dân trồng cà phê khi thiếu nước cây sẽ bị khô, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng cà phê; còn khi mưa chỉ cần mấy phút là đường, phố lại ngập. Cử tri Bùi Nguyên Lượng mong muốn Quốc hội có những giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục tình trạng này.
* Tăng cường giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long Thái Văn Tào nhận định, các vấn đề được nêu ra tại phiên chất vấn rất thiết thực, cũng là sự bức xúc trong nhân dân hiện nay. Đồng thời, những nội dung trả lời chất vấn đã cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành liên quan trong việc khẳng định quan điểm chung mà những năm qua Chính phủ đã đề ra, đó là “Phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường”.
Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, cử tri Thái Văn Tào cho rằng, một trong những giải pháp không thể thiếu là nghiên cứu dự báo, thăm dò, quy hoạch, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản một cách đồng bộ và hiệu quả; đồng thời tăng cường giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, nhất là các tài nguyên khoáng sản không tái tạo, tránh việc gây thất thoát lãng phí trong sử dụng, gây những sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, tạo nên sự bức xúc trong nhân dân.
Theo cử tri Thái Văn Tào, cần có biện pháp tăng cường nguồn lực của các đơn vị được giao khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản nhằm chủ động đổi mới công nghệ, hướng tới công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên; đồng thời tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, cam kết trách nhiệm khai thác, chế biến khoáng sản luôn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, từ đó đảm bảo giữ vững môi trường tốt nhất cho đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe người dân, góp phần phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một trong những nội dung được cử tri tỉnh Vĩnh Long quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt.
Đồng tình với các giải pháp được Bộ trưởng nêu ra, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long) Lưu Nhuận cho rằng, cấp tỉnh cần ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho địa phương, trong đó xây dựng các kịch bản theo cấp độ rủi ro thiên tai để có các giải pháp cụ thể ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước và giữ gìn vệ sinh môi trường trong vùng đóng cống ngăn mặn; vận động hộ gia đình, tổ chức tích cực trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; chuyển đổi mô hình sinh kế ở vùng bị ảnh hưởng để phù hợp với xu thế xâm nhập mặn.
Ngoài ra, cử tri Lưu Nhuận cho rằng cần tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở./.