Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Nghiên cứu hình thành Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh
Việc huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tạo cơ chế, chính sách vượt trội cho lĩnh vực đặc thù
Công nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù. Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các đại biểu quốc hội thống nhất cho rằng, để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, rất cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, trong đó phải có những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cú hích, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực đặc thù này.
Đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật, đặc biệt là việc dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng an ninh, với những chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới nội dung về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 22.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, qua theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Luật cho thấy, việc có thành lập Quỹ này hay không là nội dung được nhiều ý kiến tham gia thảo luận và có thời điểm đã đưa ra 2 phương án khác nhau. Dự thảo Luật trình tại kỳ họp này đã thể hiện tại Điều 22 không còn 2 phương án mà đã quy định nội dung cơ bản nhất về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, như mục đích, nguồn hình thành, nguyên tắc hoạt động của Quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ. Đồng thời, để đảm bảo tránh chồng lấn nhiệm vụ chi của Quỹ này với các Quỹ khác, khoản 1 Điều 22 đã quy định rõ mục đích của Quỹ. Bày tỏ nhất trí cao với nội dung dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, việc quy định Quỹ này như Điều 22 cả dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu tỉnh Bắc Giang, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) đánh giá, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết vì công nghiệp quốc phòng và an ninh có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi nền tảng khoa học quân sự, vũ khí công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt để phòng ngừa và giành lợi thế trong các cuộc chiến. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Đại biểu cho rằng, việc huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, thời gian qua việc triển khai các chương trình, dự án đặc biệt đều phải vận dụng qua cơ chế của Quỹ dự trữ ngoại hối và phải áp dụng các điều kiện đặc thù do cấp có thẩm quyền quyết định. Các chương trình, đề án đặc biệt hiện đang triển khai đều được cấp có thẩm quyền yêu cầu phải xây dựng cơ chế pháp lý đồng bộ, bảo đảm chặt chẽ. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, rủi ro cao, rất cần thiết có sự chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
"Hình thành quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị có ý nghĩa chiến lược. Việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng an ninh là cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn", đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt khẳng định.
Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách
Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu quốc hội. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu quốc hội và sẽ tiếp thu cả những nội dung tại phiên thảo luận lần này, từ đề xuất sửa tên chương, tên mục, các khái niệm, các nội dung cụ thể từ chuyển nguồn, phân định nhiệm vụ, phân nhóm miễn trừ, giao nhiệm vụ... để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Đối với nội dung về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, việc thành lập Quỹ là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh, vì nhiều sản phẩm có yếu tố mới và cũng có tính rủi ro rất cao.
“Nếu chúng ta sử dụng ngân sách nhà nước theo quy trình cũng có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Học tập ở các nước phát triển công nghiệp trên thế giới, họ đều có quỹ này. Các đại biểu đã phát biểu, tôi xin nói thêm tính đặc thù của quỹ để chúng ta khi cần có thể sử dụng được ngay”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm rõ.
Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, ngoài những nội dung báo cáo giải trình, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu quốc hội tại phiên thảo luận để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật./.