Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có các chính sách hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có các chính sách hỗ trợ như tín dụng, cho vay không lãi suất.
Chiều 27/5, phát biểu, tiếp thu, giải trình các vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn rất non trẻ, mới được 29 năm, nhưng nhìn lại cho đến nay chúng ta có 8/9 loại hình bảo hiểm và nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực phát triển rất nhanh chóng, có kết quả tốt, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kết quả đó có được nhờ sự quan tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sườn, hiệu quả của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, có sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên của hệ thống Bảo hiểm xã hội. Từ chỗ là một bộ phận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tách ra, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ với trên 20.000 người trực tiếp đảm nhận công việc này.
Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế cũng rất nỗ lực trong xây dựng chính sách, kiểm tra, giám sát và thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.
Có chính sách hỗ trợ như tín dụng, cho vay không lãi suất
Theo Bộ trưởng, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội này, và cũng là vấn đề phức tạp nhất chúng ta phải xử lý. Cơ sở chính trị đã có rất vững chắc, đó là Nghị quyết 28-NQ/TW, và vấn đề này đã được bàn qua 2 kỳ Quốc hội. Mục tiêu lớn nhất của quy định về bảo hiểm xã hội một lần là làm sao vừa thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước, để khi người già về hưu đều có lương, bảo hiểm y tế, đồng thời, cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế hiện nay của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động là muốn rút bảo hiểm xã hội.
“Đầu tiên là vì kinh tế khó khăn, nhưng cũng không hoàn toàn tất cả vì kinh tế khó khăn, còn nhiều lý do khác, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có những trường hợp rút rồi muốn tham gia trở lại, muốn đóng trở lại. Cũng có nhiều người tham gia từ đầu”, ông Dung nói.
Điều này hoàn toàn không có trong Luật bảo hiểm của các nước, đặc biệt là các nước phát triển. Chúng ta phải thiết kế điều này là xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Nghị quyết 93/2015/QH13 (về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động) ra đời khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa có hiệu lực, để giải quyết tình thế khi đó.
Nhưng bây giờ, theo ông, cũng không thể bỏ được Nghị quyết 93, bởi sẽ nảy sinh những vấn đề hệ lụy rất phức tạp về mặt chính trị, xã hội. “Do đó chúng ta duy trì nhưng trên cơ sở tính toán làm sao đạt hai mục tiêu như trên”.
Theo Bộ trưởng, để đưa ra 2 phương án này, Chính phủ cũng nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, hội thảo, trao đổi, nghiên cứu các giải pháp. Đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này và thấy không có phương án nào khác. Sau khi xem xét và các chuyên gia đánh giá lại, thấy rằng nếu cộng hai phương án này vào thì nhược điểm hơn là ưu điểm. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục đề xuất cho lựa chọn một trong hai phương án.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng tác động. Qua đọc báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút nhiều nhất hiện nay, đặc biệt là phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ, thì hầu hết người lao động đều chọn phương án 1.
Chia sẻ “ý kiến đại biểu Quốc hội nêu rất thấm thía, cần phải có chính sách khác tác động để hỗ trợ người lao động”, ông tán thành với việc để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có các chính sách hỗ trợ như tín dụng, cho vay không lãi suất. Tuy nhiên, ông cho biết, những chính sách hỗ trợ này không đưa được vào trong luật này, mà phải bố trí bằng các luật khác và các nghị định khác.
Quỹ ốm đau, thai sản thu không đủ chi
Liên quan đến nhóm ý kiến đề xuất tăng các chính sách, thời gian cho chế độ ốm đau, thai sản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là ý kiến xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận.
Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo luật này, chúng ta đã đưa nhiều chính sách tân tiến hơn, tốt hơn so với Luật năm 2014 như tăng quyền lợi trong trường hợp ốm đau nghỉ dưới 1 ngày, Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 14 ngày trở lên, hay người ốm nghỉ 14 ngày trong tháng thì tiếp tục được hưởng các chính sách…
Theo ông, Quỹ ốm đau, thai sản là quỹ ngắn hạn, mang tính chia sẻ cao nhất trong tất cả các Quỹ bảo hiểm xã hội. Mấy năm qua quỹ bị âm, thu không đủ chi.
Tỷ lệ chi trên thu năm 2017 bị âm 2,13%, năm 2019 âm 2,85% và năm 2023 mới cân bằng thu chi. Nếu chúng ta tăng các chính sách lên thì không đảm bảo thu. Hiện nay thu 3%, nếu tăng lên nữa trong thời điểm này là chưa phù hợp. Bộ đang muốn giảm các quỹ ngắn hạn khác, nhưng riêng ốm đau, thai sản hiện nay chưa cân đối được.
Nhấn mạnh, chính sách và nguyện vọng rất xác đáng, song Bộ trưởng lưu ý, trước mắt cũng phải làm sao hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt độ bao phủ bảo hiểm xã hội 60%, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng, Bộ trưởng cho biết, việc mở rộng là tất yếu.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển được ông Đào Ngọc Dung dẫn ra là, đã có giao kết hợp đồng, đã có nguồn thu, có lương thì phải nộp thuế, phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ông đề nghị những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện thì quy định ngay trong luật.
Thị trường lao động hiện nay của chúng ta rất linh hoạt, chuyển biến rất nhanh. Một người có rất nhiều quan hệ lao động khác nhau. Linh hoạt như vậy mà quy định cứng trong luật là không thể xử lý được. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội.
Về việc bỏ khái niệm quy định mức lương hưu thấp nhất, theo Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương hưu thấp nhất chỉ đúng trong một giai đoạn. Nếu bắt buộc phải theo mức lương cơ sở thì một loạt những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm được, vì không có đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu. Phương án này phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến cải cách tiền lương, cho biết “cái khó nhất là không có tiền” thì nay đã có 680 nghìn tỷ đồng. Cốt lõi của cải cách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm. Muốn vậy, phải xác định được vị trí việc làm. Bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở, tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, CPI và trên thực tiễn thu chi, thay cho mức lương cơ sở.
Về vấn đề chênh lệch lương hưu trước và sau thời điểm 1/7/2024, Bộ trưởng khẳng định “không có gì khó khăn” và đã được xử lý bằng Nghị định 42/2023/NĐ-CP, theo nguyên tắc hưởng lương sau 1/7 mà chế độ cao thì sau này chỉ tính phần CPI. Còn lại những người hưởng trước ngày 1/7 thì tính cả mức tăng trưởng kinh tế, CPI và một số chỉ tiêu tăng trưởng thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét./.