Cử tri An Giang kiến nghị các vấn đề về bảo hiểm xã hội, thu nhập, việc làm
Hội nghị đã thông tin dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV... , kết quả trả lời các vấn đề mà cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc chuyên đề năm 2023.
TTXVN - Sáng 10/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc chuyên đề với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đây là dịp để các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống, cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; từ đó, tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đến nay; kết quả trả lời các vấn đề mà cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc chuyên đề năm 2023.
Sau khi nghe báo cáo, các cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động đã trình bày thẳng thắn, trực tiếp hơn 20 ý kiến, cùng nhiều kiến nghị bằng văn bản, tập trung vào các nội dung chính về: chính sách bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, chế độ thai sản đối với lao động nữ, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động, tín dụng đen,…
Cử tri Nguyễn Ngọc Quang, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị An Giang bày tỏ, theo quy định pháp luật, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, khi các cháu ốm đau hoặc bị bệnh phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cha mẹ vẫn phải nghỉ việc để chăm con ốm. Nhưng hiện tại, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định những trường hợp có con dưới 7 tuổi, khi ốm đau thì cha mẹ mới được nghỉ. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, có chính sách cho người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi, khi ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc.
Cùng quan điểm này, cử tri Nguyễn Thị Huệ, công nhân tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ may mặc Spectre An Giang cho rằng, sau khi nghỉ thai sản 6 tháng, lao động nữ phải đi làm lại, nhưng trên địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh chưa mở nhà trẻ công lập cho con công nhân lao động từ 6 tháng tuổi, vì vậy nhiều lao động nữ phải nghỉ việc để ở nhà trông con hoặc gửi con tại các điểm giữ trẻ tư thục thiếu an toàn. Cử tri đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm đầu tư điểm giữ trẻ dành riêng cho con công nhân lao động từ 6 tháng tuổi tại khu vực các khu công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp tỉnh, để sau sinh người lao động có thể yên tâm đi làm kiếm tiền ổn định cuộc sống.
Liên quan đến thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tuổi hưu cho người lao động, cử tri Đoàn Hữu Đức, Công ty Cổ phần Nam Việt cho rằng, theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, sẽ được làm thủ tục để nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên hiện nay, việc làm của người lao động ngày càng bấp bênh, do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng ngày càng trầm trọng. Cử tri Đoàn Hữu Đức đề nghị cơ quan chức năng cần thay đổi quy định nêu trên, thay vào đó, sau 3 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có thể làm thủ tục để nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Ngoài ra, có thể tính đến phương án người lao động có thể rút 100% tổng số tiền đã đóng, hoặc tự chọn phương án là rút một lần 100% hay tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi tham gia thị trường lao động trở lại. Bên cạnh đó, cử tri cho biết, tại Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ngoài phương án cho lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần như quy định hiện hành, còn đề xuất thêm phương án giải quyết tối đa không quá 50% thời gian đóng bảo hiểm xã hội nếu lao động rút 1 lần. Do đó, cử tri đề nghị cơ quan chức năng xem xét phương án cho người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần như quy định hiện hành.
Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Đặng Bá Sinh, làm việc tại Xí nghiệp Điện Nước huyện Thoại Sơn cho biết, hiện nay, tình trạng người lao động làm việc tại các doanh nghiệp chưa được ký kết hợp đồng lao động xảy ra rất nhiều, dẫn đến hệ lụy người lao động mất nhiều quyền lợi như: không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Do đó, cử tri kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm về việc ký kết hợp đồng lao động.
Để giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, cử tri Đặng Bá Sinh kiến nghị, bên cạnh việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang ghi nhận, cần có các quy định để định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng; qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, một số vấn đề như vấn nạn “tín dụng đen”; thiết chế công đoàn; nhà ở xã hội,… cũng được đại diện các tổ chức công đoàn, công nhân, người lao động quan tâm, phản ánh tại hội nghị.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và đại diện các sở, ngành đã giải đáp một số nội dung theo thẩm quyền, đồng thời tiếp thu các ý kiến của cử tri đề xuất, kiến nghị.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cảm ơn các ý kiến tâm huyết, thiết thực, thể hiện trách nhiệm của cử tri; đồng thời trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm. Các ý kiến sẽ được Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh và các cấp, các ngành tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền sớm giải quyết theo quy định./.