Quốc hội với Cử tri

Áp dụng quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông bằng 0 là phù hợp

Bến Tre

Hội thảo khoa học và lấy ý kiến góp ý về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại Hội.
Ảnh: Chương Đài-TTXVN

TTXVN - Chiều 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phối hợp Công an tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học và lấy ý kiến góp ý về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn; Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, từ thực tiễn công tác, chiến đấu, đại biểu Công an các đơn vị, địa phương và sở, ngành liên quan đã phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, sự cần thiết phải xây dựng, sửa đổi 6 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thảo luận tại Hội thảo, đại biểu cơ bản thống nhất sự cần thiết ban hành các luật trên. Các đại biểu cho rằng, đây là những dự án luật có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc giúp lực lượng Công an nhân dân chủ động trong tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách về an ninh trật tự, triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Các đại biểu góp ý nội dung cụ thể đối với từng dự án Luật nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của quy định hiện hành, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật để khi được ban hành, các Luật mang tính khả thi, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đối với Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bến Tre, việc xây dựng, ban hành Luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Quang cảnh hội thảo.
Ảnh: Chương Đài-TTXVN

Một vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay là việc áp dụng quy định nồng độ cồn ở mức tối thiểu là bằng 0 hay một quy định như trước đây là có định lượng cho phép đối với người tham gia giao thông.

Thượng tá Võ Văn Nghĩa thông tin, trước đây, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã cấm người điều khiển xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì cho phép có nồng độ cồn nhưng không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, quy định này không phù hợp thực tế vì người dân khó kiểm soát như thế nào để uống rượu, bia đủ ngưỡng là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho thấy, trên 40% các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra. Do đó, việc áp dụng quy định nồng độ cồn bằng 0 theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông hiện nay là bảo đảm phù hợp.

Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao việc xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em.

Liên quan dự án luật này, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre Đoàn Thị Phúc kiến nghị, trong Luật sửa đổi cần quy định định mức các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp cần hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân khi được giải cứu, trong đó quy định cụ thể chính sách, chế độ hỗ trợ từng nhóm đối tượng, cụ thể là phụ nữ, phụ nữ đang mang thai, trẻ em hoặc nạn nhân bị mua bán trái phép. Đồng thời, có quy định cụ thể về thành lập, quản lý, vận hành cơ sở chuyên biệt khi tiếp nhận nạn nhân tránh lúng túng khi thực hiện công tác hỗ trợ.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết Đoàn sẽ phối hợp với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh tổng hợp ý kiến tham luận tại Hội thảo để báo cáo Bộ Công an nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.

Chương Đài

Tin liên quan

Xem thêm