Cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm bình ổn giá khi lương tối thiểu vùng tăng
Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), cán bộ, đoàn viên đề nghị Đảng, Nhà nước có giải pháp bảo vệ quyền lợi, chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác.
TTXVN - Chiều 8/5, tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri công nhân lao động trên địa bàn theo chuyên đề “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn”.
Hơn 100 cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Rạch Giá tham dự.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang thông tin tới cử tri dự kiến chương trình nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ giải quyết nhiều nội dung quan trọng của đất nước, trong đó có việc xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cho ý kiến Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của đoàn viên, công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh, đồng thời ghi nhận ý kiến của cán bộ công đoàn các cấp về dự thảo Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để báo cáo, phản ánh với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp diễn ra.
Cử tri Tôn Nữ Mỹ Hạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hwaseung Rạch Giá đề nghị các cơ quan có trách nhiệm quan tâm đầu tư xây dựng chợ khu vực khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) để phục vụ nhu cầu công nhân, người lao động, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đầu tư cơ sở giữ trẻ ở khu vực khu công nghiệp để người lao động có chỗ gửi con, an tâm lao động. “Từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng tăng lên 6%, đề nghị nhà nước quan tâm bình ổn giá để người lao động có cuộc sống ổn định”, chị Mỹ Hạnh đề nghị.
Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), cán bộ, đoàn viên đề nghị Đảng, Nhà nước có giải pháp bảo vệ quyền lợi, chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác; đề nghị Quốc hội quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc; đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn…
Cạnh đó, đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động đề nghị Quốc hội có giải pháp tổng thể bảo vệ quyền lợi người lao động khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; đề nghị Quốc hội có các quy định cụ thể để giải quyết tình trạng người lao động bị “treo” quyền lợi về bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn; đề nghị việc sửa Luật lần này phải khắc phục được tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ, nhất là chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số lần khám thai, số ngày nghỉ để chăm sóc con của người bố; đề nghị Quốc hội xem xét, quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản...
Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé trả lời kiến nghị của cử tri và tiếp thu, ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tâm huyết của các công nhân lao động. Đoàn tổng hợp những đề xuất, ý kiến gửi đến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang trao tặng 50 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng) cho công nhân, người lao động hoàn cảnh khó khăn./.
- Từ khóa:
- Cử tri
- Nhà nước
- bình ổn giá
- lương