Quốc hội với Cử tri

Cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm ban hành, có chính sách đặc thù tạo nguồn lực phát triển

Hà Nội

Đoàn đại biểu Quốc hội thông tin tới cử tri về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri hai địa phương trong kỳ tiếp xúc trước.

Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc cử tri. 
Ảnh: TTXVN phát

TTXVN - Ngày 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với đơn vị bầu cử số 3 (các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm). Hội nghị được tổ chức tại quận Nam Từ Liêm, kết nối trực tuyến với các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, nhằm báo cáo kết quả Kỳ họp, cũng như ghi nhận ý kiến cử tri. Tham dự Tổ đại biểu có Chủ tịch HĐND, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội thông tin tới cử tri về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri hai địa phương trong kỳ tiếp xúc trước.

Nêu ý kiến phản ánh với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 3 đánh giá cao chương trình dự kiến và tầm quan trọng của Kỳ họp thứ 7, đặc biệt tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua những luật quan trọng.

Điển hình như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ... và cho ý kiến 11 dự án luật. Cử tri Lê Đình Nghĩa (phường Phú Diễn, Nam Từ Liêm) bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm ban hành đi vào đời sống, tạo nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Cử tri Lê Đình Nghĩa nêu ý kiến, Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, nhân dân mong muốn Quốc hội chỉ đạo Chính phủ khẩn trương ban hành các Nghị định hướng dẫn cụ thể, chi tiết để sớm đưa Luật đi vào thực hiện thực tiễn. Trong quá trình xây dựng các Nghị định, Hướng dẫn cần bám sát Luật, tham khảo thực tiễn để hạn chế thấp nhất những bất cập khi thực hiện. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng như Nhà nước có giải pháp cụ thể nào để kiểm soát giá vàng và các mặt hàng buôn bán vàng như hiện nay.

Cử tri Phùng Lệ Thủy (phường Kim Giang, Thanh Xuân) nêu ý kiến, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phát sinh một số vấn đề như: Thay đổi thông tin trên các giấy tờ cá nhân, tài sản của người dân (Căn cước công dân, giấy khai sinh, nhà đất, hồ sơ lý lịch...). Cử tri mong sớm có thông tin hướng dẫn thực hiện giải quyết chuyển đổi thông tin cá nhân cho người dân và kế hoạch thực hiện của các cấp có thẩm quyền để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.

Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, thông qua các ý kiến ở khu dân cư, cử tri ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Quốc hội đã tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng rất đúng và trúng với mong muốn nguyện vọng của người dân, của cử tri.

Cụ thể, Quốc hội đã tập trung thông qua Luật Đất đai - bộ luật rất quan trọng, đáp ứng sự kỳ vọng lớn của mọi tầng lớp nhân dân, tác động trực tiếp đến đa số người dân. Cử tri kiến nghị và mong muốn Quốc hội và HĐND thành phố quan tâm nâng cao hiệu quả việc hướng dẫn tổ chức thực hiện có chất lượng để luật đi vào cuộc sống. Cử tri cũng hoan nghênh thành phố Hà Nội đã và đang quan tâm tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án chậm triển khai, các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng còn rất nhiều dự án treo, chậm triển khai, kéo theo đó là những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu như: Đường xuống cấp không được đầu tư nâng cấp với do nằm trong quy hoạch của dự án; khó khăn trong việc cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất;... Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị nhếch nhác, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại của người dân, gây lãng phí tài nguyên đất.

Điển hình như dự án Trường Trung học Chuyên nghiệp và Dạy nghề Hà Nội (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) đã triển khai gần 20 năm nhưng hơn chục năm nay vẫn án binh bất động. Dự án mở rộng một phần tuyến đường 70 và tuyến đường xung quanh Làng Giáo dục Quốc tế cũng nhiều năm nay không tiếp tục triển khai, giao thông thường xuyên bị ách tắc, người dân đi lại rất khó khăn.

Mặc dù, cử tri đã rất nhiều lần kiến nghị với thành phố và các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, cử tri phường Tây Mỗ đề nghị Quốc hội, Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đồng thời sớm có cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án treo, dự án chậm triển khai nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng.

Chủ tịch HĐND, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
 Ảnh: TTXVN phát

Thay mặt các đại biểu phát biểu trao đổi với cử tri, Chủ tịch HĐND, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các ý kiến cử tri nêu. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, vì một mục tiêu chung là phát triển Thủ đô. Đặc biệt, thông qua các ý kiến cho thấy cử tri nắm rất chắc, rất sát hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội cũng như đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan thành phố xem xét giải quyết. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Sở Xây dựng sớm kiểm tra, xem xét, xử lý những kiến nghị cử tri nêu trên tinh thần thẳng thắn, minh bạch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội vì Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế đặc thù vượt trội tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Kỳ họp còn xem xét cho ý kiến về Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng không gian xây dựng và phát triển Thủ đô./.

Nguyễn Thắng

Tin liên quan

Xem thêm