Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội tăng tốc phát triển *Bài cuối: Kỳ vọng về động lực mới phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”
Chính sách "Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô" góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh; đưa văn hóa, giáo dục con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô.
TTXVN - Đến nay, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được trình Quốc hội lần đầu, nhưng đã nhận được nhiều kỳ vọng không chỉ ở trong hệ thống chính trị mà còn cả nhân dân Thủ đô và cả nước, với mong muốn Luật sớm được ban hành, góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả Vùng Thủ đô và cả nước. Đáng chú ý, trong 9 chính sách mới Hà Nội đề xuất trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chính sách "Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô" được đặc biệt quan tâm.
* Văn hóa là nền tảng, hiền tài là nguyên khí
Để tạo động lực cho Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm, đóng góp vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), một số chuyên gia, nhà quản lý cùng quan điểm cho rằng, trong 9 chính sách mới Hà Nội đề xuất trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chính sách "Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô" được đặc biệt quan tâm. Bởi, đây là chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, giáo dục con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô.
Tiến sỹ Phạm Đắc Thi và Tiến sỹ Trịnh Thúy Hương (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng quan điểm cho rằng, với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa (ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045").
Nghị quyết có mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Do đó, Tiến sỹ Phạm Đắc Thi và Tiến sỹ Trịnh Thúy Hương kiến nghị Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung điều mục về “Phát triển công nghiệp” trong đó có phát triển “Công nghiệp văn hoá” tại Chương III Dự thảo để tương xứng với mục “Phát triển nông nghiệp, nông thôn” quy định tại Điều 35 Chương này.
Về vấn đề giáo dục và đào tạo, thu hút nhân tài, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong (Học viện Hành chính Quốc gia) ủng hộ các chính sách thể hiện tinh thần “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đưa vào trong dự án Luật. Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị của những “nguyên khí” và là động lực thúc đẩy phát triển Thủ đô như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thiết kế những chính sách đột phá hơn để sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút, tương xứng với vai trò và sự phát triển của Thủ đô, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được.
Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập được ở Thủ đô một môi trường văn hóa văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến; Đồng thời, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng đến kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
* Mong Luật được ban hành, sớm đi vào cuộc sống, để Hà Nội phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023. Dự thảo Luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp làm việc với thành phố Hà Nội để cho ý kiến về những định hướng lớn với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bước đột phá để tạo ra thể chế, khung khổ cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Đồng quan điểm cho rằng việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây cơ hội thuận lợi, “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Trong đó, thành phố nỗ lực triển khai đồng bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trên tinh thần đó, cử tri và nhân dân mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được ban hành, đi vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống dân sinh. Bày tỏ phấn khởi kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được thông qua, ban hành đi vào cuộc sống, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc Nguyễn Văn An cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách mới, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, tạo động lực để triển khai phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, nhà ở...); phát triển công nghiệp văn hóa; thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô; thu hút nhà đầu tư chiến lược... qua đó nâng cao đời sông nhân dân, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lin, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Chubb Life Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn; thủ tục hành chính tinh giản và những văn bản hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đúng; tạo đà cho cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và đóng góp cho kinh tế Thủ đô càng ngày càng phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của cả nước, xác định tư duy, quan điểm này để Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đều phải tập trung công sức, trí tuệ hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Tin tưởng rằng, với chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cùng với sự chú trọng quan tâm, thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và thành phố Hà Nội, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm hoàn thiện, được Quốc hội thông qua, đi vào đời sống, góp phần xây dựng Thủ đô "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng ngày càng đi lên, phát triển tốt hơn nữa, không những sánh vai với các cường quốc năm châu, mà đề nghị phải hơn lên, chứ không chỉ có sánh vai. Nếu được như thế thì Hà Nội mến yêu sẽ ngày càng văn minh, tiến bộ"./.(Hết)