Quốc hội với Cử tri

Sửa Luật BHXH cần hướng đến nhiều đối tượng lao động

TP. Hồ Chí Minh

Có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động.

Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với các dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). 
Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Sáng 11/5, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các cử tri là công nhân lao động, cán bộ Công đoàn đã đề xuất cần điều chỉnh nội dung hai dự án luật phù hợp với thực tiễn của công nhân, người lao động ở các địa phương hiện nay.

Nhiều cử tri cũng đề xuất nên giữ nguyên một số điều khoản như đã quy định trước đây bởi các chính sách này đã có tính ổn định, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Cách tính lương hưu có nhiều bất cập

Liên quan đến chế độ hưu trí, điều kiện hưởng lương hưu, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Intel Product (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) cho rằng, nếu người lao động đi làm từ 18 tuổi và phải chờ đến 62 tuổi với nam và 60 với nữ mới đủ tuổi nghỉ hưu, thì người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tới 44 năm với nam và 42 năm với nữ là rất dài. Theo bà Hồng Yến, người lao động đã đóng đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu và nghỉ trước trong vòng 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng 100% tỉ lệ lương hưu mà không bị trừ % khi nghỉ trước tuổi…

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Product (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) phát biểu. 
Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Còn theo ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), thực tế lao động ở độ tuổi trên 50 tại công ty rất ít. Bởi vì, ở độ tuổi này và sau đó, người lao động không còn đủ sức khỏe làm viêc nên đã chuyển đi làm việc khác hoặc về quê sinh sống.

Hiện không ít người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng/người/tháng do cách tính tiền lương hưu hiện nay là bình quân cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội, nên rất thấp, không đủ sống. Vì thế, nhiều người lao động tính toán để nhận bảo hiểm xã hội một lần vì e ngại phải chờ đợi quá lâu mới đủ độ tuổi để nghỉ hưu. Nhiều người lao động muốn nghỉ việc, rút bảo hiểm một lần vì lo lắng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này được thông qua sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Quan tâm đến quyền lợi của người lao động, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) cho biết, số người lao động có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội ở công ty xin nghỉ việc rất nhiều vì lo ngại sự thay đổi của luật sẽ ảnh hưởng quyền lợi.

Ông Trần Thanh Sơn cho rằng, cách tính lương hưu cho người lao động bằng bình quân cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội hiện nay đang có nhiều bất cập do những năm đầu đóng bảo hiểm xã hội với tiền lương thấp.

“Bản thân tôi muốn bỏ quá trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm khi tham gia quân đội để có lương hưu cao hơn nhưng không bỏ được. Hay nói cách khác, càng đóng nhiều thì lương hưu càng thấp…”, ông Sơn chia sẻ.

Về tài chính Công đoàn, ông Sơn ủng hộ quy định giữ nguyên 2% kinh phí công đoàn; đồng thời, kiến nghị ngành Bảo hiểm xã hội cần tăng cường tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội để người lao động hiểu rõ hơn, thấy được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. 
Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cân nhắc thấu đáo chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần

Một trong những nội dung khác nhận được sự quan tâm của cử tri là công nhân lao động và cán bộ công đoàn, đó là quy định về bảo hiểm xã hội một lần. Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chọn phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với nhóm người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm. Đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện này.

Theo ông Triều, hiện người lao động đặc biệt quan tâm đến chế độ bảo hiểm xã hội một lần và những đề xuất, kiến nghị thay đổi chính sách này trong thời gian qua. Đa số người lao động cho rằng đây là “quyền tài sản”, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động cống hiến, là tích lũy cá nhân. Rút bảo hiểm xã hội một lần đã thành thói quen của người lao động khi không còn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại phải cân nhắc thấu đáo.

Ông Trần Văn Triều lưu ý, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Các đại biểu cũng đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần hướng đến đa dạng người lao động, nhất là công nhân lao động trực tiếp; cần quan tâm đề xuất chính đáng của người lao động./.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm