Quốc hội với Cử tri

Hỗ trợ về tín dụng để giữ chân người người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội

Thừa Thiên Huế

Liên quan đến quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về cho rút một lần hay không, rút như thế nào.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Quảng Nam tuyên truyền, vận động người dân không hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Ảnh: PT

Trong số những nội dung sửa đổi lớn của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đây là nội dung được nhiều người quan tâm nhất vì có tác động lớn đến đời sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ trình 2 phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sự khác biệt của dự thảo Luật với quy định hiện hành là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...). Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên. Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bà Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, quy định như Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 2 phương án nêu trên, vì “chưa có độ chín”.

Theo bà, một bộ phận người lao động cho rằng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động, điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, bởi trong tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hiện hành, số tiền người sử dụng lao động đóng tới 2/3 (gồm 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), còn người lao động đóng 1/3.

“Như vậy là đã thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động rồi, vì vậy người lao động cũng cần có trách nhiệm lại đối với xã hội để tránh tình trạng như hiện nay là khi còn trẻ, còn khỏe, còn đủ sức lao động cần tạo thu nhập thì lại sử dụng hết phần tích lũy thông qua đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về già trắng tay lại trở thành gánh nặng cho xã hội, cho con cháu, người thân”, bà Sửu nói.

Lấy dẫn chứng từ địa phương mình, bà cho biết, số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tăng đột biến. Năm 2022 là 8.400, năm 2023 là 12.700 và 3 tháng đầu năm 2024 đã là 2.100 người.

Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, lượng lao động bị cắt giảm khá lớn, vì vậy người lao động cũng lo ngại. Vẫn còn một bộ phận người lao động có tâm lý không ổn định khi nghe việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội và sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần từ năm 2025.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu ý kiến.
 Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Lựa chọn phương án 1, bà Nguyễn Thị Sửu cho rằng phương án này sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan Bảo hiểm xã hội, người lao động có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được tích lũy cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và sau này sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lâu dài, đặc biệt là chế độ hưu trí và tử tuất, bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động, và dù lựa chọn phương án nào cũng đều dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh, phải làm thế nào để người lao động có thêm một cơ hội, để họ cân nhắc việc có rút bảo hiểm xã hội một lần hay không. Trong trường hợp bất khả kháng không thể khác được, Nhà nước cũng phải tính toán các phương án hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội không đồng ý với cả 2 phương án. Phương án 2, người tham gia được rút 50%, còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng điều quan trọng là bảo lưu đến bao lâu rồi cho hưởng?

Nêu quan điểm vẫn cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ông Nguyễn Anh Trí đưa ra hai khía cạnh. Thứ nhất, làm sao tăng được lợi ích của đóng bảo hiểm nếu người lao động tiếp tục để lại để sau này được hưởng nhiều lợi ích hơn. Điều này Ban soạn thảo đã làm được, đã đưa ra quy định làm tăng lợi ích hơn cho người đóng bảo hiểm.

Thứ hai, phải làm sao để khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì vẫn được rút, nhưng cho họ biết phần được rút là không nhiều.

Cho rằng phương án 1 sẽ tạo ra hai “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực trong cùng một điều khoản quy định, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry nêu quan điểm: không lấy gì đảm bảo rằng những lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong khingười bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 1/7/2025 lại không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ những quy định tại Điều 60 của dự án luật.

Theo bà, Phương án 2 là phương án gần như quán triệt sát hơn với chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW: “cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng bảo hiểm hưu trí và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”,.

Bà Ry phân tích, rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, điều đó chứng tỏ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu giải quyết những vấn đề trong cuộc sống trước mắt. Nếu đây là nguyên nhân chính thì chúng ta cần giữ chân họ, nên giải quyết cho rút 50%, kèm theo đó nên cho vay trong hệ thống Ngân hàng Chính sách để tiếp tục hỗ trợ khi họ có điều kiện, vừa giữ chân họ tham gia trong hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết được vấn đề khó khăn về kinh tế. Đây mới là cơ chế phù hợp, đáp ứng hơn tâm tư, nguyện vọng của người lao động./.

Phương Trần

Tin liên quan

Xem thêm