Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến
Cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc rà soát, quản lý sim rác; Ngân hàng Nhà nước có phương án xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ vì đây chính là kẽ hở cho tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn tội phạm công nghệ trong thời gian tới
* Quyết liệt xử lý sim rác, tài khoản không chính chủ
Đề cập đến vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn đề này. Thời gian qua, rất nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến với quy mô lớn đã bị lực lượng công an triệt phá, mang lại sự tin tưởng cho người dân. Tuy nhiên, nhưng vụ lừa đảo trên mạng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, với số nạn nhân ngày một lớn, số tiền bị chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng.
Đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, cử tri rất ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Thông tin và Tuyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh bị lừa đảo.
Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp, phát hiện xử lý với loại tội phạm này. Đặc biệt với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, tội phạm thường xử dụng số tài khoản ngân hàng và số điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền; cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc rà soát, quản lý sim rác; Ngân hàng Nhà nước có phương án xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ vì đây chính là kẽ hở cho tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp ngăn chặn và hạn chế tình trạng này, đó là thường xuyên rà soát chỉnh sửa, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Để hạn chế tình trạng tài khoản ngân hàng không chính chủ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu người dân sử dụng căn cước gắn chip để mở tài khoản điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành quyết định yêu cầu biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ 20 triệu đồng mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch; kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, để có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện cơ chế đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, kiểm tra, mở, sử dụng tài khoản thanh toán; yêu cầu tổ chức tín dụng kết nối dữ liệu công dân giúp khách hàng làm sạch dữ liệu, hạn chế lừa đảo qua mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để giải quyết vấn đề này, tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ đã chỉ đạo các báo, đài lớn, xây dựng các chuyên mục, sử dụng hệ thống truyền thanh xã, phường để đưa thông tin hữu ích đến với người dân, giúp đề phòng lừa đảo.
Xác định lừa đảo trực tuyến được thực hiện qua sim rác, sim không chính chủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt thực hiện các biện pháp rà soát, phát hiện, xử lý sim rác, sim không chính chủ để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước, để tránh giả mạo. Bộ cũng đã thiết lập các đầu mối để tiếp nhận phản ánh về vấn đề lừa đảo qua mạng.
* Khẩn trương xem xét, giải quyết những vấn đề cử tri nêu
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, những ý kiến liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành Chính phủ đã được các Bộ trưởng trả lời và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết. Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện sẽ tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện. Đối với các kiến nghị còn tồn đọng, kiến nghị được đông đảo cử tri có ý kiến qua nhiều kỳ họp, Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu và tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, đôn đốc việc trả lời dứt điểm. Đồng thời sẽ công khai kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đối với những kiến nghị liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo các lĩnh vực được phân công tiếp thu, nghiên cứu triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đánh giá cao kết quả trả lời giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ và một số Bộ, ngành. Qua các kỳ họp, việc trả lời giải quyết kiến nghị cử tri đã dần đi vào nề nếp, được Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Đối với 6 kiến nghị chưa được trả lời tại Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản trả lời và giải quyết. Bên cạnh đó, còn 704 kiến nghị từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm, chậm giải quyết, nhiều kiến nghị chưa bảo đảm được lộ trình giải quyết mà cơ quan chủ quản đề ra, khắc phục trả lời dừng lại ở việc cung cấp thông tin, viện dẫn văn bản, giải thích chính sách chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần rà soát và có giải pháp quyết liệt để hoàn thành giải quyết trong thời gian sớm, đồng thời phải bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt là xác định công việc, lộ trình giải quyết đối với 43 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết. Những nội dung cụ thể đã được các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Trưởng Ban Dân nguyện tiếp thu, đề nghị các Bộ, ngành có văn bản tiếp thu, báo cáo Chính phủ chuyển cho Ban Dân nguyện, Tổng Thư ký Quốc hội để đưa vào nghị quyết của kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị cần phải trả lời rõ những vấn đề đã trả lời ban đầu, những nội dung đã giải quyết dứt điểm và đã trả lời, những vấn đề đang giải quyết thì có lộ trình giải quyết và thời hạn trả lời. Ủy ban Thường vụ sẽ tiếp thu và chuẩn bị dự thảo nghị quyết, báo cáo Quốc hội. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đã được ghi chép đầy đủ. Tổng thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội nội dung này và đưa vào nghị quyết Kỳ họp thứ 7; đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến các đại biểu Quốc hội, khẩn trương trả lời và chỉ đạo việc xem xét, giải quyết những vấn đề cử tri nêu./.