Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong phiên làm việc buổi sáng, một số đại biểu tham gia thảo luận về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 3 đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm, có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Quy định này nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động.
Tuy nhiên, theo đại biểu, xét về hình thức hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động thì phải có sự điều chỉnh kịp thời.
Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp, như vậy công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. Do vậy, dự thảo Luật cần thiết phải có những điều chỉnh về hình thức và nội dung của loại hình không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác để xác định được rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.
Đại biểu Trần Kim Yến cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá bổ sung một đối tượng được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đó là lao động không trọn thời gian, ví dụ như lao động xe công nghệ. Theo đại biểu, nếu chiếu theo Điều 13 của Bộ luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, một bên góp công nghệ, một bên góp phương tiện hoặc chỉ góp sức lao động. Nhưng dù là công nghệ hay phương tiện, đây vẫn là tư liệu sản xuất, có quản lý về thời gian, về doanh thu, có trả lương qua hình thức sản phẩm nên cần bổ sung đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thảo luận về vấn đề dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương,..., qua nghiên cứu, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì các đối tượng trên sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.
Đại biểu nêu rõ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.
Đối với người lao động là người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu cho biết, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương phản ánh rất khó thu bảo hiểm xã hội của nhóm này. Đại biểu phân tích, những đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian 3 đến 5 năm đi lao động ở nước ngoài, muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí và tử tuất phải đóng thêm 12 - 15 năm nữa nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng. Do đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong dự thảo là chủ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Theo đại biểu, các đối tượng này có cả vai trò là người lao động trong nền kinh tế, vừa có nhu cầu, có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội. Họ cũng muốn được hưởng các lợi ích hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội như những người lao động khác trong nền kinh tế. Việc bổ sung này giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW; đồng thời cũng phù hợp với quan điểm trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể./.