Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Phát huy tiềm năng, lợi thế để Nghệ An phát triển nhanh và bền vững

Theo dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP.

Quang cảnh phiên họp. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 31/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đề xuất có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Đáng chú ý, theo dự thảo chính sách, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chính sách này tương tự Nghị quyết số 55/2022/QH15 của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, tỉnh Nghệ An đề xuất thêm quy định phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để phù hợp với thực tiễn, nhu cầu phát triển tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP.

Chính sách tương tự Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Trong đó, tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung áp dụng đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Cùng với đó, Hội đồng nhân dân thành phố Vinh được thành lập 3 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội; có không quá 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. Ủy ban nhân dân thành phố Vinh có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Đáng chú ý, đối với chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh cho phép, tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương sẽ không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch.

Cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi hỗ trợ ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình về chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Theo đó, việc tách riêng công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện một số dự án. Chính sách này đã được áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và ở một số dự án, phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, Chính phủ dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tách công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Do đó, cần cân nhắc để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về nội dung này.

Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, địa phương, một số ý kiến cho rằng, đây là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách riêng cho tỉnh Nghệ An, do đó việc quy định cho phép các tỉnh, thành phố trong cả nước được phép sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An, cần được cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi thí điểm và tính khả thi trong thực tiễn.

Đối với điều chỉnh chủ trương đầu tư, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với dự thảo Nghị quyết vì việc tăng cường phân cấp và trao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất là cần thiết, đặc biệt trong thời gian HĐND tỉnh không họp. Việc này bảo đảm tính kịp thời đối với việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công theo thẩm quyền của địa phương. Quy định như trên cũng tương thích với quy định tại Dự thảo Luật Thủ đô.

Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết. Một số khoản quy định “sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành” nhưng không rõ thời hạn, thời điểm áp dụng Nghị quyết. Do vậy, Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong Nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm./.

Diệp Trương

Tin liên quan

Xem thêm