Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ ổn định giá trị của Việt Nam đồng; kết hợp chính sách lãi suất và tỷ giá để nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn hơn, có lợi hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nêu vấn đề hiện nay lượng kiều hối về nước rất nhiều, người dân gửi vào ngân hàng thì lãi suất 0 đồng, để nhà có khả năng không an toàn, trong khi đó, ngân hàng vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ phải trả lãi, sáng 11/11, đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: “Vì sao không vay của dân để có lợi cho dân, dù lãi suất thấp hơn vay của nước ngoài?”.

* Hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ áp dụng lãi suất bằng 0% đối với tiền gửi ngoại tệ là do trước đây thị trường ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam thường xuyên biến động, có những giai đoạn nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ, nhưng mỗi khu vực lại găm giữ và không bán ngoại tệ ra. “Người có không bán và người chưa có nhu cầu đã ra mua, nên thị trường ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam đã trải qua giai đoạn biến động gây bất ổn kinh tế vĩ mô”.

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ ổn định giá trị của Việt Nam đồng; kết hợp chính sách lãi suất và tỷ giá để nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn hơn, có lợi hơn. Theo đó, lãi suất của đô la Mỹ đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỷ giá.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư để hạn chế việc doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ. Đồng thời, điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm, hằng ngày có biến động lên xuống, khác với trước đây là tỷ giá chỉ có một chiều tăng. Vì thế, đã hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước. Giải pháp này đã giúp gia tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, có lúc lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ, trong khi cuối năm 2015 con số này chỉ trên 30 tỷ đô la Mỹ.

“Đây là giải pháp chính sách rất tốt và có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Bây giờ nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên thì người nắm giữ ngoại tệ vừa được lợi về những biến động tỷ giá, họ lại còn được lãi suất tiền gửi ngoại tệ, có thể sẽ gây tâm lý chuyển dịch từ Việt Nam đồng sang ngoại tệ, thị trường có nguy cơ rủi ro trở lại”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với việc vay nợ nước ngoài, về bản chất nền kinh tế của Việt Nam là nước đang thiếu vốn, nên để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các nước, chúng ta phải huy động nguồn lực của nước ngoài thông qua các kênh như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp hoặc đi vay nợ nước ngoài, nhưng phải đảm bảo cân đối vĩ mô.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà đặt câu hỏi chất vấn. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tranh luận lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, lượng kiều hối rất lớn mà ngân hàng không chịu huy động, nếu có huy động thì lãi suất 0%, trong khi đó, Nhà nước đi vay ODA, vay lại ở nước ngoài và phải chịu lãi suất. “Tại sao không vay USD của người dân trong nước, kể cả vay với lãi suất thấp hơn vay nước ngoài, để tạo động lực kích thích kiều bào gửi tiền về nhiều hơn”, đại biểu tranh luận.

Làm rõ hơn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại chủ trương hạn chế vàng hóa và đô la hóa, chuyển dần từ huy động cho vay bằng ngoại tệ sang chủ trương mua và bán ngoại tệ. Theo bà, nếu huy động và cho vay bằng ngoại tệ thì các tổ chức tín dụng sẽ gặp những rủi ro vì tỷ giá biến động rất khó lường. Khi huy động của người dân bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro tỷ giá, bởi vì đã huy động là cho vay, nếu không cho vay thì các tổ chức tín dụng sẽ phải đưa đi gửi đầu tư ở nước ngoài. Vì vậy chủ trương đặt ra là phải làm sao để doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì chuyển hóa thành Việt Nam đồng để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Bằng những chính sách của Nhà nước rất đồng bộ từ năm 2016 và từ chỗ dự trữ ngoại hối của chúng ta rất thấp, người dân và doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường. Còn việc đi vay là vì bản chất nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vốn, không thể không vay ở nước ngoài để phát triển.

*Ổn định thị trường ngoại hối

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. 
Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Liên quan đến giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá, được đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đề cập, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế biến động rất phức tạp. Trước kia mặt bằng lãi suất tăng lên, nhưng hiện nay FED cũng như một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang ở trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và đã có một số ngân hàng trung ương giảm. Đồng tiền như đô la Mỹ cũng biến động phức tạp, có thời gian giảm rất mạnh, nhưng trong quý III lại tăng lên. Đây là những diễn biến tác động rất mạnh đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.

Việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước là câu chuyện rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là cung cầu về nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và nguồn thu có thể có được. “Thị trường ngoại hối của Việt Nam, nhất là chúng ta vẫn còn tình trạng đôla hóa, sẽ chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều. Khi tâm lý kỳ vọng thì bản thân các tổ chức có ngoại tệ người ta không bán, hoặc khi chưa cần ngoại tệ người ta đã ra mua, cho nên rất thách thức đối với công tác điều hành”, bà Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng nêu quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là phải góp phần kiểm soát lạm phát, qua đó góp phần ổn định cho đồng Việt Nam. Điều hành tỷ giá vàng, ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường. Hiện nay cho phép dao động biên độ là cộng trừ 5%.

“Chúng tôi theo dõi sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu cho người dân”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Bên cạnh đó, bà cho biết, đây là một thị trường tác động bởi tâm lý kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về định hướng chính sách.

Giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, nên vừa qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng. Bà chia sẻ rất khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Nếu giảm lãi suất quá sẽ tác động làm tăng tỷ giá và có thể sẽ gây ra câu chuyện tạo tâm lý, thậm chí là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, nếu tỷ giá không được ổn định.

* Giao dịch tại các sàn Forex có thể bị lừa đảo

Đặt vấn đề pháp luật hiện hành có khá nhiều văn bản quy định về quản lý các hoạt động ngoại hối, kinh doanh ngoại hối; tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là việc giao dịch được thực hiện qua online, đã phát sinh nhiều hiện tượng lừa đảo, giả mạo của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng (được gọi là Forex) nhưng không được cấp phép, hoạt động trái pháp luật, đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về thực trạng quản lý kinh doanh ngoại hối hiện nay và biện pháp quản lý, xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối không được cấp phép, hoạt động trái phép.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay, chỉ có các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối. Khi các doanh nghiệp và người dân có những giao dịch cần ngoại tệ thì sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng, còn các tổ chức và cá nhân khác không được kinh doanh ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho một sàn giao dịch nào.

Người dân giao dịch tại các sàn Forex này sẽ có những hệ lụy, có thể bị lừa đảo. Các cơ quan quản lý phải tăng cường phát hiện những tổ chức, cá nhân thành lập các sàn khi không được cấp phép giao dịch để kiểm soát thực trạng này, phòng, chống tội phạm./.

Chu Thị Thanh Vân

Xem thêm