Tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường của Anh hùng dân tộc Trương Định là nguồn động lực để các thế hệ tiếp tục cống hiến trí tuệ xây dựng quê hương.
Ngày 20/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định.
Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ông về Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền. Khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định chiêu binh, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng khiến quân thù khiếp sợ. Ông được suy tôn "Bình Tây Đại Nguyên Soái". Trong trận chiến ngày 20/8/1864, Trương Định bị thương nặng và ông đã tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: Tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 60 thế kỷ XIX của Anh hùng dân tộc Trương Định là nguồn động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cống hiến trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống anh hùng, sau ngày thống nhất đất nước đến nay, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của COVID-19, song với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ Tiền Giang đã lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai hiệu quả chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Cảm phục trước tinh thần bất khuất của Anh hùng dân tộc Trương Định, nhân dân khu vực Gò Công lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ Trương Định hằng năm nhằm tôn vinh công lao chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Lễ hội Trương Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016. Từ đó đến nay, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang - Thường trực Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể cùng địa phương liên quan tổ chức lễ hội với nhiều nội dung phong phú, từng bước nâng dần về quy mô tổ chức, xứng tầm lễ hội Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Mộ và đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); đền thờ Trương Định, Đám Lá Tối Trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông)./.
- Từ khóa:
- Trương Định
- anh hùng
- An Giang