Từng là người lính biệt động với bí danh “Bảy Triều”, cựu chiếnbinh Phạm Hải Triều (81 tuổi, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Gia định 4 anh hùng. Ông là một nhân chứng trong trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu kết thúccuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Với ông, ngày 30/4/1975 là một phần ký ức đầy tự hào và không thể nào quên…
*Sống và chiến đấu trong lòng địch
Đã 50 năm qua, cựu chiến binh Phạm Hải Triều vẫn nâng niu từng bức ảnh quý giá về những năm tháng là một người lính biệt động, sống và hoạt động trong lòng địch. Trong đó có hai bức ảnh được ông phóng to và đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà như để nhắc nhớ về những ngày chiến đấu ở Sài Gòn năm 1975, đặc biệt là Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mà ông và các đồng đội tham gia với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Bức ảnh thứ nhất là hình ảnh Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 Phạm Hải Triều tay cầm súng, ánh mắt kiên định hướng về phía trước với chú thích “Trước giờ xuất quân điều nghiên, trinh sát sân bay Tân Sơn Nhất – Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc 12 giờ 30 phút, ngày 20/4/1975” và bức ảnh thứ hai là nụ cười rạng rỡ của ông với chú thích “Niềm vui sau trận đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lúc 8 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975”. Hai bức ảnh được chụp cách nhau 10 ngày, chứa đựng những ký ức hào hùng của người lính biệt động với biệt danh “Bảy Triều” trong những ngày tháng lịch sử của mảnh đất Sài Gòn – Gia Định xưa.
Cựu chiến binh Phạm Hải Triều kể lại, tháng 10/1963 khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 320, Trung đoàn 64 Quân khu 3, sau đó theo học trường Sỹ quan lục quân. Sau 4 năm rèn luyện, đến tháng 5/1967 ông làm Đại đội phó Đại đội 15, Tiểu đoàn 4 Binh chủng đặc công, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đưa quân vào chiến trường miền Nam.
Tháng 9/1967 ông cùng các đồng đội nhận nhiệm vụ tại chiến trường miền Đông Nam Bộ và tham gia lực lượng đặc công Biệt động nội thành 354 (N10). Để hoạt động được trong lòng địch, người lính biệt động Phạm Hải Triều mang các bí danh như “Ba Thép”, “Mười Thịnh”, “Bảy Hổ”, “Bảy Triều” và đóng nhiều vai khác nhau khi là thợ phụ hồ, khi là thợ ảnh…nhằm tránh sự nghi ngờ của địch.
Sau khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, ngày 20/4/1975 Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 do ông Phạm Hải Triều làm Tiểu đoàn trưởng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ mới từ Sở Chỉ huy cánh Tây Bắc Sài Gòn. Ông nhớ lại, mặc dù đã được tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như Mậu Thân 1968, Nguyễn Huệ 1972, Xuân 1975 song khi cùng đồng chí Nguyễn Văn Niệm (hay còn gọi là Ba Niệm, chính trị viên Tiểu đoàn) đi nhận nhiệm vụ chiến dịch, ông vô cùng hối hộp bởi chiến dịch này mang tên Bác Hồ kính yêu trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Tiểu đoàn có nhiệm vụ tiến hành trinh sát, điều nghiên (điều tra, nghiên cứu) xác định vị trí 2 cửa mở sân bay Tân Sơn Nhất; đánh chiếm và giải phóng toàn bộ tuyến đường dài 5km từ ngã 3 Đài phát thanh Quán Tre đến ngã 5 Gò Vấp và cầu Chợ Mới; xác định đường tiếp cận, vị trí tập kết, hướng, mục tiêu tiến công của Tiểu đoàn. Mọi công tác điều nghiên phải hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định và Trung đoàn 115 vào ngày 25/4/1975.
Cựu chiến binh, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 Phạm Hải Triều nhớ lại, nhiệm vụ nặng nề, thời gian quá ngắn, mục tiêu rộng lớn song anh em đều rất quyết tâm với mong muốn chiến dịch sớm toàn thắng. Để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, anh em thay nhau ban đêm vào nghiên cứu mục tiêu, chui vào ống cống, ém mình ngoài nghĩa địa, đội lục bình ngoài kênh rạch. Đến 4 giờ ngày 24/4 toàn đội về đến căn cứ an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trinh sát, điều nghiên, sớm hơn so với kế hoạch Sở chỉ huy giao.
*Tự hào ngày chiến thắng
Bước vào chiến dịch, Tiểu đoàn được bổ sung thêm nhiều lực lượng, trang bị hỏa lực rất mạnh với 5 đại đội và lực lượng trực thuộc, tổng số gần 400 cán bộ chiến sĩ. Đúng 0 giờ ngày 28/4/1975, theo kế hoạch, Tiểu đoàn trưởng Phạm Hải Triều ra lệnh cho các đơn vị Đại đội 2, Đại đội 3 đồng loạt nổ 36 quả mìn, mở thông 2 cửa mở làm lệnh cho cả cánh Tây Bắc tấn công. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng “Bảy Triều”, các nhiệm vụ được giao lần lượt hoàn thành, bảo toàn được lực lượng.
5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lệnh tổng tiến công và tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu. Toàn Tiểu đoàn chia thành 2 mũi phát triển đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tiếp tục nhận lệnh tổ chức lực lượng phát triển vào sâu thành phố đánh chiếm Ty cảnh sát quận 3; Trung tâm cảnh sát quốc gia quận 10; Cư xá sĩ quan Bắc Hải; Trung tâm Văn hóa Mỹ trên đường Ngô Thì Nhậm, quận 3 và Bệnh viện Vì Dân. Tất cả các nhiệm vụ này được hoàn thành vào 10 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975. Trưa ngày 30/4/1975, thời khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, Tổng thống Ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cũng là lúc niềm vui vỡ òa với các chiến sỹ giải phóng.
Nhớ về thời khắc lịch sử, cựu chiến binh Phạm Hải Triều kể, lúc đó anh em vô cùng phấn khởi, reo vang “Sài Gòn được giải phóng rồi”, “Đất nước được hòa bình rồi”. Ai cũng vui mừng nhưng cũng lặng người đi khi nhớ về những đồng chí, đồng đội vừa mới hy sinh, không được chứng kiến giây phút đầu tiên Sài Gòn được giải phóng.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, ngay sáng 1/5/1975, Tiểu đoàn trưởng Bảy Triều chỉ huy tiểu đoàn về đứng chân ở ba phường “Tây Nhất, Tây Nhì, Tây Ba”, quận Phú Nhuận làm nhiệm vụ quân quản thành phố. Sau đó, Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 còn vinh dự tham gia khối diễu hành, diễu binh mừng chiến thắng tại Dinh Độc lập và bắn pháo hoa mừng chiến thắng tối 15/5/1975. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1979, ông Phạm Hải Triều ra Bắc, tiếp tục tham gia cuộc đấu chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, sau đó trở về địa phương, tiếp tục gắn bó trong quân đội đến năm 1989.
Ông Vũ Văn Phiên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình cho biết, ông Phạm Hải Triều là một trong những cựu chiến binh đầu tiên của phường cũng như của thành phố. Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, ông Triều có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội Cựu chiến binh phường và thành phố, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần, ý chí gan thép, mưu trí, dũng cảm với nhiều thành tích trong chiến đấu, đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau 50 năm Ngày Thống nhất đất nước, do tuổi cao, sức yếu, ông không thể trở lại thăm chiến trường xưa, để gặp lại những đồng đội của Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 anh hùng... Song với cựu chiến binh Phạm Hải Triều, được góp một phần công sức vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi mãi là niềm tự hào của người lính giải phóng đã chiến đấu vì khát vọng, vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc./.