Lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đông đồng bào Khmer Sóc Trăng
Châu Thành là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tuy còn nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay huyện đã đạt được thành quả tích cực.
Trong những ngày cuối năm 2024, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện thứ 5 của tỉnh Sóc Trăng và là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm trên 47% dân số toàn huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Trương Quốc Điền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, từ năm 2010, huyện Châu Thành bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ mặt bằng kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên khi đó, các xã trong huyện chỉ đạt bình quân 4,57/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện còn yếu kém, sản xuất lạc hậu dựa vào canh tác 2-3 vụ lúa và trồng rau màu; hiệu quả kinh tế thấp. Thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 28,96 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 35,78%; 100% đều là xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các cấp ngành, sự đồng lòng chung sức của các tầng lớp nhân dân, qua 13 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã huy động được trên 2.448 tỉ đồng. Đến nay, huyện đã thực hiện và đạt 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, với 36 chỉ tiêu theo quy định. Trong đó, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Toàn huyện có 87 tuyến đường giao thông nông thôn và 7 tuyến đường huyện đạt chuẩn theo quy định, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm; có 8 công trình kênh cấp I dài 96,3 km, 6 hệ thống trạm bơm đảm bảo phục vụ tưới tiêu tốt cho các mô hình sản xuất; 100% xã, ấp có lưới điện quốc gia về tới trung tâm, với tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99,87%; 37/37 trường học đạt chuẩn Quốc gia (tỷ lệ 100%); 100% các xã, thị trấn có trạm y tế đạt “Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế”, có trên 96,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Trước những đổi thay phát triển của quê hương, ông Trang Minh Trí, ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành xúc động chia sẻ: Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, đời sống của đồng bào Khmer nơi ông sinh sống đã phát triển nhanh chóng; đường sá đi lại khang trang, sạch đẹp; trường học, trạm y tế phục vụ người dân tốt hơn. Đó là nhờ kết quả của phòng trào xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước đầu tư, người dân chung sức. Những hộ nghèo khó khăn, nhất là đồng bào Khmer, luôn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo việc làm, hỗ trợ vốn nên đời sống bà con dân tộc thiểu số của Châu Thành nói chung, xã An Hiệp nói riêng được cải thiện; nhiều hộ thoát nghèo đi lên khá giả, con cái được học hành...
Đánh giá hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới ở Châu Thành, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đó là thành quả thể hiện nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Châu Thành trong việc thực hiện, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương và xem phong trào xây dựng nông thôn mới là hành trình “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, Châu Thành là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tuy còn nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay huyện đã đạt được thành quả tích cực. Châu Thành đã trở thành một trong những ngọn cờ đầu trong Phong trào thi đua "Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới ", góp phần giúp tỉnh đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn, thời gian tới, Châu Thành tiếp tục phát huy thành quả đạt được, nâng cao chất lượng nông thôn mới ở các địa phương, tiến tới xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục đổi thay mạnh mẽ về diện mạo, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo kết nối khu vực nông thôn-đô thị. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện tạo nên sức sống mới cho vùng quê nông thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy lợi thế “cửa ngõ” của tỉnh, đưa địa phương tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc và phát triển bền vững./.