Hiện, phong trào vẫn được duy trì hiệu quả. Từ việc đọc sách, học sinh cải thiện kỹ năng tư duy, tập trung, phân tích và nâng cao khả năng diễn đạt.
TTXVN - Xây dựng phòng đọc sách, chỉnh trang, bài trí thư viện, thiết kế các điểm đọc sách ngoài trời hay góc thư viện, đang được nhiều trường học ở tỉnh miền núi Tuyên Quang thực hiện nhằm đưa sách đến gần hơn với học sinh, giúp các em có thêm nhiều kiến thức, cải thiện kỹ năng sống, phát triển văn hóa đọc, tạo nền tảng cho việc tự học.
“Thư viện cầu vồng” nằm dưới những tán cây xanh mát, ở vị trí trung tâm trong khuôn viên trường Tiểu học Tứ Quận, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Thầy giáo Đặng Xuân Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có 630 học sinh, trong đó có gần 62% học sinh dân tộc thiểu số. Trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, các phòng chức năng của trường, nhất là thư viện còn nhỏ, hẹp, phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu đọc sách và tìm hiểu thông tin của học sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất của nhà trường ngày một cải thiện. Đặc biệt, năm 2020, “Thư viện cầu vồng” được xây dựng đáp ứng nhu cầu đọc sách, thêm hình thức giải trí cho học sinh sau mỗi giờ học căng thẳng.
Theo thầy Đặng Xuân Chiến, để giúp học sinh có thêm thời gian đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, mỗi tuần một lớp sẽ có 1 tiết đọc sách tại “Thư viện cầu vồng”. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên tìm những nguồn sách hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Em Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 5A1, trường Tiểu học Tứ Quận chia sẻ: "Em và các bạn rất thích “Thư viện Cầu vồng”. Ngoài giờ đọc tại thư viện, chúng em còn được mượn sách về nhà. Thư viện có rất nhiều sách, em thích nhất là đọc sách văn học vì được tham khảo những bài văn hay cũng như đọc những cuốn truyện cổ tích. Đọc sách giúp em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi, có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống".
Sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Tuyên Quang nhanh chóng có mặt tại thư viện chính và 2 góc thư viện để đọc sách. Em Hoàng Minh Hằng, lớp 4B, trường Tiểu học Hồng Thái cho biết: "Hôm nay là ngày lớp em lên thư viện đọc sách. Chúng em được đọc sách trong 15 phút đầu giờ, giờ ra chơi và sau giờ ăn bán trú. Em thích nhất sách về khám phá thiên nhiên và tìm hiểu các loài động vật".
Cô giáo Trần Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái cho biết, từ đầu năm học 2023 - 2024, tận dụng khoảng không gian ở chân các cầu thang, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tu sửa, chỉnh trang thành các “Góc thư viện” để phục vụ nhu cầu đọc sách ngày càng tăng của học sinh. Học sinh các khối lớp không có lịch đọc ở thư viện chính vẫn có thể thoải mái đọc sách, truyện ở các góc thư viện này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sắp xếp các khu vực đọc sách ngoài trời, dưới những bóng cây to tại khuôn viên sân trường nhằm giúp các em có thêm không gian đọc sách thoáng đãng hơn.
Cũng theo cô giáo Trần Thị Thanh Hương, để góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, trường Tiểu học Hồng Thái cũng phát động phong trào “Mỗi tuần đọc một cuốn sách” đến tất cả giáo viên và học sinh. Hiện, phong trào vẫn được duy trì hiệu quả. Từ việc đọc sách, học sinh cải thiện kỹ năng tư duy, tập trung, phân tích và nâng cao khả năng diễn đạt.
Để phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường và cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành sẽ tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào, chương trình quyên góp sách trong phụ huynh, học sinh nhằm tạo nguồn sách, tài liệu, xây dựng các thư viện, tủ sách nhà trường; tổ chức các hoạt động và phát huy hiệu quả chất lượng các thư viện trường học để thu hút giáo viên, học sinh đọc và làm theo sách; phát động phong trào chung tay xây dựng thư viện nhà trường, lớp học, thư viện xanh, tủ sách học đường... Qua đó, khuyến khích, nhân rộng phong trào, rèn luyện thói quen đọc sách, góp phần nâng cao trí thức và phát triển văn hóa đọc trong học sinh và hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phát động ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng nhằm phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho học sinh; tổ chức các câu lạc bộ sách gắn với các hoạt động ngoại khóa; xây dựng mô hình điểm khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với học sinh; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách trường học nhằm lan tỏa văn hóa đọc./.
- Từ khóa:
- Tuyên Quang
- văn hóa đọc
- đọc sách
- Thư viện cầu vồng