Thời gian đón Tết ở quê nhà lại càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng với mỗi kiều bào khi nhớ về đất nước; tạo thêm động lực, niềm tin cho các thế hệ người Việt đang bôn ba xứ người tiếp tục hướng về cội nguồn đất mẹ.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Nhà ga quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) luôn đông đúc. Phần lớn hành khách làm thủ tục nhập cảnh là người Việt Nam ở nước ngoài trở về đoàn tụ bên gia đình đón Tết cổ truyền.
Trong quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán là quốc lễ truyền thống lớn nhất, thời điểm các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên nhau đón chờ khắc chuyển giao của năm cũ sang năm mới. Thế nên, mọi người con đất Việt ở nơi xa, nhất là những người đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài lại đau đáu nỗi niềm trở về với gia đình, quê hương như câu ca dao, tục ngữ nghìn xưa để lại “Dù ai buôn bán nơi đâu - Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”. Vượt qua mọi vất vả, những cuộc hành hương trở về dịp Tết không chỉ là về với gia đình, người thân yêu mà còn là về với cội nguồn của dân tộc.
Dịp Tết này, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón khoảng 4 triệu lượt khách. Từ ngày 14/1 đến ngày 12/2 (15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), dự kiến có 26.033 chuyến bay, với hơn 4 triệu hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, khách quốc tế là 1,5 triệu lượt, quốc nội hơn 2,5 triệu lượt. So với Tết Nguyên đán 2024, năm nay, số chuyến bay dự kiến tăng 6,25% và tăng 5,36% lượng khách.
Riêng trong ngày 21/1, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất phục vụ 901 chuyến bay với khoảng 123.000 hành khách, trong đó có 156 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 27.000 khách. Ngày 20/1, có 814 chuyến bay và 117.200 lượt khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có 144 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 26.800 hành khách. Dự kiến số lượng hành khách là người Việt Nam ở nước ngoài trở về đón Tết Ất Tỵ qua cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất tăng mạnh trong những ngày giáp Tết.
Trải qua một chặng bay dài, nụ cười rạng rỡ trên môi trong vòng tay của cháu gái, bà Phan Kiều Mỹ Tiên, kiều bào Hoa Kỳ cho biết, trừ thời gian gián đoạn do COVID-19, khoảng 20 năm qua, năm nào bà cũng thu xếp thời gian trở về đón Tết tại quê nhà ở Thủ Dầu Một, Bình Dương nhưng lần nào bà cũng hồi hộp khi máy bay chuẩn bị đáp xuống. Bà chỉ mong làm thủ tục thật nhanh để ra với các em, các cháu.
Trở về trên chuyến bay từ Tokyo, chị Huỳnh Thanh Hoài (Lâm Đồng) và cô con gái 5 tuổi ríu rít bên người thân đã vượt 500km ra đón tại sân bay. Lập gia đình cùng chồng cũng là người Việt và đang sinh sống tại Nhật Bản, 2 năm qua, chị chưa về đón Tết ở quê nhà. Năm nay chỉ hai mẹ con về quê vui Tết cùng người thân. “Cũng đôi chút khó khăn nhưng nhớ nhà, nhớ quê quá mà ông bà lại mong có con có cháu trong dịp Tết nên em quyết đặt vé về. Cả hai họ nội ngoại đều nhớ cháu, thương cháu; Tết này con cháu về đón Tết sẽ rất vui”, chị Thanh Hoài tươi cười cho biết.
Không ồn ã nhưng đầy trìu mến, anh Nguyễn Thành Nam (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) vỗ nhẹ vai cậu con trai Nguyễn Lê Nam Hùng du học sinh từ Australia với lời khen ngợi: “Con về thế này làm ông (nội) vui lắm. Ông bảo chờ con, mai nhà mình mới cúng ông Táo”. Đang kỳ nghỉ hè, ban đầu, Nam Hùng định ở lại Australia để tiếp tục công việc ngoài giờ kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và đi thăm thú đó đây nhưng em đã thay đổi quyết định vì nghe ông nội lo Tết này không có ai đưa ông đi thả cá (chép).
“Càng đi xa rồi em càng hiểu thêm giá trị của gia đình, của quê hương. Những gì đã được học, được dạy trước kia em không rõ lắm thì nay đã thấm thía hơn khi ở nước ngoài. Trước kia thấy Tết chỉ thấy bận rộn vì dọn dẹp nhà cửa, mua sắm nhưng khi xa nhà mới thấy những giây phút đón Tết bên ông bà, cha mẹ, các em thật đáng nhớ, đáng trân trọng. Giờ em cũng đã hiểu vì sao mọi người quyết tâm vượt hàng chục nghìn kilomet để trở về quê trong dịp Tết”, Nam Hùng chia sẻ.
Những câu chuyện nói trên tại sân bay Tân Sơn Nhất trong đêm trước của ngày ông Công ông Táo với niềm xúc động đến nao lòng của người trở về cũng là tâm trạng chung của tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài được đoàn tụ cùng gia đình, họ hàng và quê hương trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Với người Việt Nam ở nước ngoài, nỗi niềm mong ngóng được trở về cố hương càng trở nên da diết trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cũng vì vậy, khoảng thời gian đón Tết ở quê nhà lại càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng với mỗi kiều bào khi nhớ về đất nước; tạo thêm động lực, niềm tin cho các thế hệ người Việt đang bôn ba xứ người tiếp tục hướng về cội nguồn đất mẹ./.
- Từ khóa:
- TP Hồ Chí Minh
- niềm vui
- ngày trở về
- đón Xuân Ất Tỵ